Giảm nghèo bền vững ở huyện Điện Biên

ĐBP - Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với các huyện khác trên địa bàn tỉnh nhưng đời sống của người dân huyện Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao. Trước thực trạng đó, huyện Điện Biên xác định xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Với quyết tâm cao và thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Điện Biên đã có những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững.

Tạo điều kiện phát triển các dự án, mô hình nông nghiệp nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn là giải pháp góp phần giảm nghèo hiệu quả. Trong ảnh: Lao động HTX Phú Mỹ Xanh huyện Điện Biên chăm sóc cây trồng.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện Điện Biên đã rà soát, phân tích thực trạng, nguyên nhân nghèo từ đó đề ra những giải pháp tích cực nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tiềm năng lợi thế của huyện để thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giảm nghèo. Đối với các hộ thuộc diện không thể thoát nghèo (người mất sức lao động, khuyết tật, ốm đau…), huyện thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định. Thường xuyên cập nhật, phân loại hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em nghèo để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Đối với nhóm hộ nghèo, cận nghèo còn lại sẽ thực hiện theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp và tăng dần các chính sách hỗ trợ vốn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tín chấp với ngân hàng để họ có điều kiện mua phương tiện, cây, con giống phát triển sản xuất. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững.

Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, nên việc chú trọng giảm nghèo thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hàng đầu của huyện Điện Biên. Thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên cho thấy, từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 30 nghìn người dân, với gần 88 nghìn con gia súc, gia cầm. Cùng với đó, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ 68 con bò sinh sản cho 137 hộ nuôi luân chuyển theo nhóm hộ; hỗ trợ 1.251 con gà lai; hỗ trợ vật tư 6,72ha cây trồng nông nghiệp… Hàng loạt dự án, mô hình sinh kế được đầu tư, như: Hỗ trợ gà lai hướng thịt theo hộ gia đình; hỗ trợ nuôi bò sinh sản luân chuyển theo nhóm hộ tại các xã Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Chăn... đã giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Các chính sách hỗ trợ tiếp cận dịch vụ cơ bản như: Y tế; giáo dục đào tạo; nhà ở cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách; tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; giải quyết việc làm và dạy nghề… mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện tốt các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, thôn bản đặc biệt khó khăn. Hệ thống giao thông liên huyện, liên xã được đầu tư, nâng cấp; các chợ nông thôn được đầu tư đưa vào sử dụng tạo điều kiện giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Với những giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả tích cực: Nếu như năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn gần 25% thì đến cuối năm 2020 giảm còn hơn 10%.

Sự vào cuộc toàn diện của các cấp, ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; kinh nghiệm và kết quả giảm nghèo bền vững trong những năm qua sẽ là điều kiện thuận lợi để huyện Điện Biên tiếp nối thành tích mới trong công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Duy trì, phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo, nhất là khuyến khích tinh thần, ý chí người dân hăng say phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo thực chất, bền vững... là vấn đề được Đảng bộ, chính quyền huyện Điện Biên đặc biệt quan tâm với phương hướng, kế hoạch phù hợp và có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chuyển từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ một phần, phần còn lại cho người dân đóng góp để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Xem xét tăng cường trao quyền cho người dân, cộng đồng để phát huy sáng kiến, cách làm hay phù hợp đặc điểm địa bàn, dân tộc. Bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hộ thoát nghèo trở thành hộ khá để thoát nghèo bền vững.

Thu Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/191876/giam-ngheo-ben-vung-o-huyen-dien-bien