Giảm nghèo bền vững từ phát triển kinh tế
Trong quá trình vươn lên thoát nghèo của Đam Rông, ưu tiên được xác định là hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Chỉ khi sản xuất phát triển, người nông dân có thu nhập ổn định từ chính mảnh đất họ canh tác, cái nghèo mới được đầy lùi một cách bền vững.
Hộ nghèo giảm dần theo thời gian
Từ năm 2009, khi Đề án giảm nghèo được thực hiện, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cho Đam Rông đã được đánh giá rất cụ thể. Đầu năm 2009, hộ nghèo huyện Đam Rông còn 3.729 hộ, chiếm tỷ lệ 46,97%; hộ cận nghèo còn 1.561 hộ, chiếm tỷ lệ 19,66%. Đến đầu năm 2010, số hộ nghèo của huyện còn 3.141 hộ, tỷ lệ 37,92%; số hộ cận nghèo còn 975 hộ, chiếm tỷ lệ 11,77%. Đầu năm 2011, số hộ nghèo của huyện là 4.455 hộ, chiếm tỷ lệ 52,22%; số hộ cận nghèo là 910 hộ, tỷ lệ 10,67%. Đến cuối năm 2015, hộ nghèo còn 835 hộ, tỷ lệ 7,5%; hộ cận nghèo 952 hộ, tỷ lệ 8,28% (bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,94%/năm).
Giai đoạn 2016-2020, Lâm Đồng thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Đầu năm 2016, huyện Đam Rông có 4.268 hộ nghèo, chiếm 37,11%, hộ cận nghèo 1.281 hộ, chiếm 11,14%. Đến cuối năm 2019, hộ nghèo còn 1.661 hộ, chiếm 12,06%; hộ cận nghèo 3.260 hộ, tỷ lệ 23,67%. Bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 6,26%/năm, đạt so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm theo mục tiêu của Chương trình30a đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, cao hơn mục tiêu đề án đặt ra là 35 triệu đồng/người/năm. Thu nhập bình quân chính là thước đo cho sự giảm nghèo bền vững. Với Đam Rông, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã góp phần thúc đẩy sản xuất chung của toàn cộng đồng, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất.
Trên cơ sở nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, Ban chỉ đạo 30a huyện Đam Rông đã căn cứ nguồn vốn và các tiêu chí hộ nghèo, số hộ nghèo của từng xã để phân bổ kinh phí cho các địa phương lập phương án hỗ trợ sản xuất, trong đó ưu tiên, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Nhìn chung, các chương trình hỗ trợ đều được triển khai đến người dân; người dân được tiếp cận với giống, cây trồng vật nuôi mới, được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi đem lại năng suất cao, chất lượng tốt.
Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, người dân Đam Rông đã phát huy năng lực, sự chăm chỉ, sáng tạo vươn lên trong cuộc sống. Hôm nay Đam Rông có những vườn vải, vườn bưởi xanh ngắt chạy dọc dòng KRông Nô, những thung lũng chuối bạt ngàn Đạ Knàng, những bể cá tầm nước chảy rì rầm ngày đêm ở Rô Men, những vườn chanh xanh ngắt đồi Liêng Srônh, những vườn cà phê chín đỏ khi vào vụ thu hoạch, những vườn mắc ca, sầu riêng trồng thuần, trồng xen...Không chỉ trồng cây công nghiệp, cây ăn trái, người Đam Rông còn trồng dâu nuôi tằm, loại cây trồng vật nuôi cho thu hoạch rất nhanh, hiệu quả kinh tế tốt. Học hỏi từ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, từ bà con nông dân lân cận, bà con người dân tộc bản địa ở Đam Rông cũng nhanh chóng tiếp cận khoa học kỹ thuật nông nghiệp, giống cây mới, vật nuôi mới.
Và cùng với sự phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống người Đam Rông ngày càng được nâng cao. Ánh điện sáng mọi thôn xóm, trẻ em tới trường, trạm y tế, nhà văn hóa, sân vận động..., mọi thiết chế phục vụ đời sống của bà con đều được xây dựng hoàn chỉnh. Bộ mặt Đam Rông hôm nay đổi thay thực sự so với những ngày năm xưa.