Giảm nghèo đa chiều và những mục tiêu mới
Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được huyện Vĩnh Linh xác định là nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2015-2020 với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện công tác này, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm nhanh từ 10,07% năm 2016 xuống còn 3,98% vào cuối năm 2019.
Từ năm 2016, khi Quyết định 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 có hiệu lực, Vĩnh Linh tiếp cận và triển khai công tác giảm nghèo với nhiều điểm mới. Theo đó, ngoài tiêu chí về thu nhập, các tiêu chí giảm nghèo còn được đo lường ở mức độ thiếu hụt 5 dịch vụ xã hội gồm: Y tế; giáo dục; nhà ở; điều kiện sống; tiếp cận thông tin và 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt thuộc 5 dịch vụ xã hội nêu trên. Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo huyện Vĩnh Linh Nguyễn Ái Tân cho biết: “Việc kết hợp chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là hướng nhằm xây dựng mức sống tối thiểu để từng bước đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Cũng chính vì vậy mà công tác giảm nghèo giai đoạn 2016- 2020 được Vĩnh Linh xác định sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, cần thực hiện thận trọng với những kế hoạch và bước đi vững chắc, phù hợp với tình hình thực tiễn mới đem lại hiệu quả cao nhất”.
Mục tiêu huyện Vĩnh Linh đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 sẽ giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5% - 2%/năm. Theo đó, hằng năm UBND huyện, Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện xây dựng kế hoạch giảm nghèo, giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, ban, ngành liên quan. Chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội ký kết chương trình phối hợp liên ngành với Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh và Huyện đoàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo của Chính phủ và địa phương ban hành. Trong đó, chú trọng việc thực hiện các chính sách xã hội, giúp các đối tượng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý, nhà ở; hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm. Các ngành, địa phương trong huyện tập trung, chủ động trong việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, phân tích nguyên nhân nghèo để phân loại đối tượng và có hướng hỗ trợ phù hợp. Ưu tiên đầu tư trọng điểm vào những vùng, địa bàn và nhóm dân cư khó khăn nhất.
Nằm trong mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, HĐND huyện cũng đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-HĐND về giảm nghèo bền vững cho các bản có tỉ lệ hộ nghèo cao giai đoạn II ở 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Thành lập các nhóm hỗ trợ các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều có tỉ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời khuyến khích sự trợ giúp của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân chung tay thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội...
Từ những hướng đi, giải pháp rõ ràng, công tác giảm nghèo ở Vĩnh Linh thời gian qua đã mang lại kết quả ấn tượng. Rõ nét nhất đó chính là địa phương đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án, tiểu dự án đúng thời gian, mục đích và đối tượng. Trong đó, nổi bật như chương trình 30a và hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; chương trình 135; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn ngoài chương trình 30a và 135; dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin... Các chương trình, dự án sau khi được triển khai đã mang lại diện mạo mới cho các xã còn nhiều khó khăn. Hầu hết ở những nơi này, hệ thống đường giao thông, điện, cơ sở trường học… được đầu tư xây dựng; nhiều mô hình sinh kế và giảm nghèo mới được hình thành, đi vào hoạt động hiệu quả. Người dân tiếp cận được với tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng máy móc công cụ. Những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được hỗ trợ kịp thời đưa vào sản xuất. Cơ bản thay đổi ý thức vươn lên thoát nghèo, để người dân được làm chủ, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Các chính sách xã hội được triển khai đồng bộ giúp các đối tượng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm... Từ khi chương trình triển khai đến nay, đã có trên 59 ngàn lượt các đối tượng thuộc diện hưởng thụ được cấp thẻ BHYT với ngân sách nhà nước hỗ trợ 40,52 tỉ đồng. Có trên 25 ngàn lượt đối tượng được khám chữa bệnh bằng BHYT với kinh phí 9,6 tỉ đồng. Có trên 4.058 lượt người được đào tạo nghề. Các chính sách hỗ trợ giáo dục, nhà ở, tiền điện được quan tâm đúng mức, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đặc biệt, công tác xã hội hóa về xóa đói giảm nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. 5 năm qua các tổ chức trong khối Mặt trận đã vận động kêu gọi đóng góp quỹ “Ngày vì người nghèo” gần 3 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhiều nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất và tặng hàng ngàn suất quà cho người nghèo... Đồng thời Vĩnh Linh đã huy động được số tiền 66,1 tỉ đồng thực hiện đề án giảm nghèo bền vững cho 11 bản đặc biệt khó khăn ở miền núi phía Tây.
Từ nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, sau 5 năm tỉ lệ hộ nghèo ở Vĩnh Linh giảm nhanh từ 10,07% năm 2016 xuống còn 3,98% vào cuối năm 2019. Riêng đối với 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà giảm bình quân 6,22%/năm vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Đặc biệt 2 xã thuộc vùng khó khăn bãi ngang ven biển là Vĩnh Giang và Vĩnh Thái thoát nghèo nhanh. Tỉ lệ giảm bình quân của Vĩnh Giang đạt 3,89%/năm, Vĩnh Thái đạt 2,03%/năm.
Từ những kết quả đạt được, từ nay đến năm 2025, Vĩnh Linh đặt ra mục tiêu: Tăng cường sự kết nối về hạ tầng, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 1% - 1,5%/năm. Riêng các xã, thôn nghèo vùng đặc biệt khó đồng bào dân tộc miền núi giảm từ 4- 5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025; nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 1,6 lần so với năm 2020.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151041