Giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới - Bài 1: Trao sinh kế giúp dân thoát nghèo
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như phát triển kinh tế - xã hội khu vực này là chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Và xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để áp dụng vào những hộ có hoàn cảnh khó khăn, từ đó nhân rộng ra những hộ khác chính là một cách làm hiệu quả trong thời gian qua. Nhờ những mô hình này, người dân vùng biên cương đã yên tâm sinh sống, lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.
Loạt 2 bài viết “Giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới” do phóng viên TTXVN thực hiện, phản ánh về quyết tâm giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào ở khu vực biên giới, nhất là năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức.
Bài 1: Trao sinh kế giúp dân thoát nghèo
Trao sinh kế là cách làm thiết thực, hiệu quả giúp đồng bào nơi biên giới thay đổi tư duy, nhận thức để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Tại khu vực biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã có nhiều phong trào, mô hình, cách làm hay để giúp cho nhân dân khu vực biên giới từng bước thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.
Bò giống giúp hộ khó khăn nơi biên giới
Xã Thanh là một trong 14 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đại đa số người dân sinh sống tại đây là người dân tộc Bru Vân Kiều, đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp. cộng với địa hình đồi núi phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở.
Nhiều năm về trước, gia đình anh Hồ Văn Sơn là một hộ đặc biệt khó khăn ở xã Thanh. Không có tư liệu sản xuất, đời sống không ổn định, ai thuê gì làm đấy nên lo đủ ba bữa ăn một ngày cũng là điều vất vả với anh Sơn. Biết được hoàn cảnh của gia đình anh, năm 2021, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng đồn Thanh đã tặng 2 con bò giống sinh sản để anh có vốn làm ăn. Đồng thời Đồn Biên phòng Thanh cũng cử cán bộ, chiến sỹ xuống hướng dẫn cách chăn nuôi.
Sau khi nhận bò giống, anh Hồ Văn Sơn đã chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của Bộ đội Biên phòng để con bò có thể phát triển, sinh sản tốt. Hàng ngày, anh lên nương rẫy cắt cỏ và chặt cây chuối rừng cho bò ăn.
“Khi được tặng bò giống sinh sản, cán bộ bảo cho bò và hướng dẫn nuôi, rồi từ đó phát triển thành đàn bò. Như vậy mới thoát nghèo được. Có bò giống, cán bộ lại thường xuyên đến kiểm tra và dạy nuôi nên nuôi. Nuôi rồi nó đẻ, cứ thế là có nhiều bò. Có nhiều rồi thì bán lấy tiền mua đất trồng sắn, chuối, trồng cây bời lời. Giờ thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng/năm. Gia đình tôi đã không còn nghèo nữa”, anh Hồ Văn Sơn vui vẻ nói.
Không chỉ anh Sơn, thời gian qua, nhiều hộ nghèo khác ở xã Thanh và huyện biên giới Hướng Hóa của Quảng Trị cũng được tặng bò giống như vậy. Tháng 8/2023, UBND huyện Hướng Hóa và Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc, Học viện Dân tộc đã tổ chức bàn giao 124 con bò giống dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển chăn nuôi bò sinh sản năng suất cao tạo sinh kế tại vùng dân tộc và miền núi khu vực Bắc Trung Bộ”, cho người dân trên địa bàn.
Theo anh Hồ Văn Chung - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa: Mục tiêu của dự án nhằm phát triển đàn bò thịt năng suất cao tạo sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó hộ tham gia dự án trong thời gian 3 năm phải thực hiện được 3 mô hình: nuôi bò sinh sản theo quy trình thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo đàn bò giống, nâng cao năng suất cho thế hệ sau; trồng được giống cỏ để nuôi nhốt; ủ được cỏ và phụ phẩm nông nghiệp dự trữ thức ăn ủ chua cho bò.
Hộ tham gia phải có đất trồng cỏ nuôi đủ 6 con bò trong thời gian tham gia dự án, có khả năng tuyên truyền để trình diễn nhân rộng trên địa bàn; ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, phụ nữ là chủ hộ. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ cho mỗi hộ tham gia dự án 3 con bò giống, 10% cỏ giống, thức ăn tinh trong 2 tháng và toàn bộ vắc xin, tinh bò Brahman để cải tạo đàn bò giống.
“Mô hình chăn nuôi góp phần tăng thu nhập cũng như tạo công ăn việc làm ổn định thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số”, anh Hồ Văn Chung nói.
Theo Trung tá Ma Phương Trình - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị: Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, Đồn Biên phòng Thanh đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng mô hình tặng bò giống cho các hộ nghèo. Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng còn tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể cơ sở giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế - xã hội.
“Một trong số đó là là việc triển khai thực hiện mô hình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”. Các mô hình giảm nghèo này được triển thực hiện hiệu quả đã và đang góp phần giúp dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống...”, Trung tá Ma Phương Trình nhấn mạnh.
Nỗ lực cải thiện đời sống đồng bào
Tuyến biên giới đất liền Việt Nam trải dài qua 435 xã, phường, thị trấn với tổng chiều dài hơn 5.000 km. Tổng dân số sinh sống trên dải biên cương có trên 2 triệu người, với khoảng 500.000 hộ, trong đó đồng bào dân tộc chiếm tới 67,4%, với mật độ dân số trung bình ở các xã biên giới chỉ bằng hơn 26% so với mật độ dân số cả nước. Khu vực biên giới được xem là một vùng đặc thù, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí còn hạn chế. Do vậy việc hỗ trợ cư dân vùng biên giới thoát nghèo luôn được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm.
Chia sẻ về các cách làm thiết thực, hiệu quả hướng tới mục tiêu giúp đồng bào nơi biên giới thay đổi tư duy, nhận thức để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế - Phó Chủ nhiệm Chính Trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, do những điều kiện về địa lý, tự nhiên nên khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn so với các địa bàn khác.
Quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, với phương châm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các lực lượng và cấp ủy, chính quyền địa phương ở khu vực biên giới thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân biên giới chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; triển khai hiệu quả nhiều chương trình, mô hình, phong trào giúp dân phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn khu vực biên giới.
Tiêu biểu như phong trào "Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới", Chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Thầy giáo quân hàm xanh", "Thầy thuốc quân hàm xanh", “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản”, Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng", Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"...
Các chương trình, mô hình, phong trào giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã được các đơn vị Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đời sống của nhân dân biên giới cũng đang được cải thiện đáng kể. Qua đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị và các tầng lớp nhân dân hướng về biên giới, hải đảo, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí. Từ đó đã phát huy trách nhiệm của đồng bào trong tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.