Giảm nghèo nhờ trồng khóm trên vùng đất phèn

Nhờ sự hỗ trợ của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang và chính quyền địa phương, ông Trần Văn Huệ (sinh năm 1962, ngụ khu phố 3, thị trấn Mỹ Phước) đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng khóm trên đất nhiễm phèn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.LẬP NGHIỆP TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI

Khóm là cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đất phèn Tân Phước thoát nghèo bền vững.

Khóm là cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đất phèn Tân Phước thoát nghèo bền vững.

Với bản tính cần cù, chịu khó, năm 1991, rời quê ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, vợ chồng ông Trần Văn Huệ cùng các con đến xã Phước Lập, huyện Tân Phước lập nghiệp. Ông Huệ cho biết: “Do gia đình đông anh em, mà đất sản xuất lại ít, nên gia đình tôi quyết định đến huyện Tân Phước lập nghiệp.

Lúc đầu tới xã Phước Lập, tôi thuê đất trồng lúa, năng suất thấp, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài làm lúa, vợ chồng tôi còn đi làm thuê để có thêm thu nhập. Sau thời gian vất vả làm lụng, gia đình tôi dành dụm mua được 1 ha đất. Có đất, tôi tiếp tục trồng lúa và đi làm thuê, kiếm tiền đầu tư cho mảnh ruộng nhà mình”.

Nhận thấy trồng lúa trên vùng đất nhiễm phèn mang lại hiệu quả kinh tế không cao, ông Huệ quyết định bán ruộng ở xã Phước Lập sang xã Mỹ Phước (nay là thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước) mua đất trồng khóm. Khi cây khóm còn nhỏ, ông Huệ trồng xen các cây ngắn ngày khác để “lấy ngắn nuôi dài” và tích góp mua thêm 1 ha đất mở rộng diên tích trồng khóm.

Ông Huệ chia sẻ: “Khi mới đến vùng đất phèn Tân Phước lập nghiệp đã gặp không ít khó khăn nên lần lượt 5 đứa con của tôi đều phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình, đứa học cao nhất cũng chỉ tới lớp 10. Hiện tại, 4 đứa con của tôi đã có gia đình riêng và mỗi đứa được tôi chia cho vài công đất để trồng khóm, còn lại gần 1 ha đất tôi cũng đang trồng khóm”.

Hiện tại, cuộc sống gia đình ông Huệ đã khấm khá, ông không còn đi làm thuê, mà chủ yếu là sản xuất trồng khóm; còn bà Dương Thị Lài (vợ ông Huệ) vừa phụ chồng, vừa đan bàng kiếm thêm thu nhập. “Thật sự giờ nghĩ lại, tôi thấy mình “liều” thiệt, với đôi bàn tay trắng mà dám đưa vợ và 5 đứa con vô vùng đất phèn Tân Phước lập nghiệp. Nhưng quả thật “đất không phụ công người”, mấy năm trước, tôi vay Ngân hành Chính sách xã hội, rồi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 100 triệu đồng để sửa lại căn nhà đã xuống cấp; sau đó nhờ trúng mấy mùa khóm mà tôi đã trả hết tiền vay”, ông Huệ vui mừng chia sẻ.

Có tận mắt chứng kiến ruộng khóm xanh tươi mới thấy được ý chí và nghị lực của ông Huệ - người đàn ông đã ở cái tuổi ngoài 60 từ hai bàn tay trắng, đưa gia đình từ hộ nghèo nhiều năm trở thành hộ thoát nghèo bền vững, có cuộc sống khấm khá, sung túc.

CÙNG NGƯỜI DÂN THOÁT NGHÈO

Ông Trần Văn Huệ thoát nghèo nhờ trồng khóm.

Ông Trần Văn Huệ thoát nghèo nhờ trồng khóm.

Năm 2023, Phòng LĐTB&XH huyện Tân Phước triển khai thực hiện Dự án Trồng khóm trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước, ông Huệ được chọn làm người đại diện, quản lý dự án. Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Tân Phước Nguyễn Tuấn Hải cho biết: Dự án nhằm tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện tăng thu nhập, thoát nghèo, nâng cao đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo 3 năm, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Đồng thời, giúp các hộ cải tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng khóm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và nhân rộng mô hình trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước…

Theo đó, Dự án Trồng khóm trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước có 11 hộ tham gia, trong đó có 8 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo và 2 mới thoát nghèo. Dự kiến sau khi kết thúc dự án (sau 3 năm) sẽ có 8 hộ thoát nghèo, 1 hộ thoát cận nghèo. Những hộ tham gia dự án đều phải có diện tích đất 6.000 m2 trở lên, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ gần 30.000 cây khóm giống. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 500 triệu đồng. Sau 3 năm thực hiện dự án, các hộ tham gia sẽ hoàn trả 30% kinh phí được hỗ trợ thực hiện dự án.

Là hộ vừa thoát nghèo gần 1 năm và là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Huệ rất vui khi được chọn làm người đại diện, quản lý Dự án Trồng khóm trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước. Ông Huệ phấn khởi cho biết, tổng diện tích của dự án trên 7,2 ha. Bên cạnh được hỗ trợ cây giống, các hộ tham gia dự án còn được Phòng LĐTB&XH huyện Tân Phước phối hợp với các ngành tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khóm; phương pháp tiếp cận dịch vụ, thị trường.

Đồng thời, các ngành còn cam kết sẽ liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc cá thể với hộ cải tạo, trồng khóm để tiêu thụ hết sản phẩm làm ra với giá có lợi cho các hộ tham gia dự án, điều này giúp cho người dân yên tâm sản xuất.

Theo ước tính, mỗi năm 1 hộ tham gia Dự án Trồng khóm trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước sẽ thu nhập khoảng 180 triệu đồng và hiệu quả lớn hơn sau khi kết thúc dự án là người trồng khóm nắm chắc quy trình trồng khóm, các kỹ thuật chăm sóc, xử lý ra hoa, biện pháp phòng trị sâu bệnh trên cây khóm… để cho năng suất cao.

Từ đó, những hộ tham gia dự án sẽ truyền tải kinh nghiệm trồng khóm đạt chuẩn cho các hộ trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước, giúp nhân rộng mô hình trồng khóm hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, dự án còn tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững của thị trấn Mỹ Phước.

Cũng như gia đình ông Huệ, nhiều người trồng khóm trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước nói riêng và huyện Tân Phước nói chung ngày càng có kinh tế gia đình ổn định. Theo nhiều nông dân trồng khóm, khóm trồng rất dễ sống, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và ít sâu bệnh. Nhờ khóm mà nhiều người dân ở vùng đất phèn Tân Phước đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định; thậm chí có nhiều người vươn lên làm giàu, xây dựng nhà ở khang trang…

Tuy nhiên, nhiều hộ trồng khóm ở thị trấn Mỹ Phước cũng còn trăn trở, khi trên địa bàn thị trấn vẫn còn tuyến đường đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc vận chuyển nông sản của người dân. Bên cạnh đó, vẫn còn hộ nghèo, hộ cận nghèo do không có đủ diện tích canh tác theo yêu cầu của Dự án Trồng khóm trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước nên không thể tham gia dự án. Vì thế, các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở thị trấn Mỹ Phước mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, tiếp sức để vượt khó vươn lên phát kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202312/giam-ngheo-nho-trong-khom-tren-vung-dat-phen-997240/