Giảm nghèo ở xứ sở cây thốt nốt

Tịnh Biên là một huyện nghèo của An Giang nhưng nhờ biết tận dụng thế mạnh trong phát triển kinh tế từ cây thốt nốt cùng với sự hỗ trợ của chương trình giảm nghèo bền vững của Nhà nước, đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã có những khởi sắc nhất định.

Tịnh Biên là một huyện có đông đồng bào Khmer, đời sống kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Người dân ở Tịnh Biên sinh sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh lúa, cây thốt nốt cũng là một trong những cây trồng mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.

Phát huy nội lực

Trước thực tế trên, chính quyền địa phương đã phối hợp với các trung tâm, dự án để có những định hướng hỗ trợ người dân giảm nghèo dựa vào nông sản đặc trưng của địa phương, trong đó có cây thốt nốt nhằm giúp người dân phát huy nội lực và gia tăng giá trị từ chính những cây trồng gắn bó hằng ngày.

Thốt nốt đã gắn bó với đồng bào Khmer ở Tịnh Biên từ bao đời. Bên cạnh việc cho ra loại đường thơm ngon và đặc trưng, cây thốt nốt còn cung cấp cho người dân vùng nhiều sản phẩm đa dạng. Do đó, việc khai thác tối đa lợi ích từ cây thốt nốt đang là mục tiêu của UBND huyện Tịnh Biên nhằm tăng lợi nhuận cho người dân từ loài cây đặc sản này.

Thốt nốt là cây trồng truyền thống, đặc trưng ở Tịnh Biên

Thốt nốt là cây trồng truyền thống, đặc trưng ở Tịnh Biên

Để khai thác đa dạng các sản phẩm từ cây thốt nốt, huyện đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân thành lập và phát triển các tổ hợp tác, HTX để vừa sản xuất các sản phẩm, vừa hỗ trợ công tác tiêu thụ theo hướng hàng hóa.

Trong đó, HTX sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ cây thốt nốt xã An Phú là mô hình tiêu biểu. HTX đang có 33 thành viên tham gia là chủ cơ sở thu mua, người chuyên khai thác nước thốt nốt.

Theo đó, các thành viên HTX ngoài việc nấu đường, nước màu từ nước thốt nốt còn sáng chế các sản phẩm công mỹ nghệ từ cây thốt nốt. Các sản phẩm như lục bình, đũa, bình trà, chén, tô… được làm từ thân cây thốt nốt nhưng chỉ khai thác những cây già, sản lượng ít, khó leo để thu hoạch. Ngoài ra, các thành viên còn làm các sản phẩm như nước thạch thốt nốt, rượu thốt nốt… để cung cấp cho thị trường.

Điều này giúp người dân có thêm nguồn thu, không phụ thuộc vào nghề nấu đường thốt nốt chỉ kéo dài 5-6 tháng/năm. Việc khai thác cây có chọn lọc cũng giúp HTX bảo đảm nguồn nguyên liệu, giữ gìn giá trị cây thốt nốt vì đây là cây trồng lâu năm, phải trồng từ 15 năm mới cho trái.

Nâng cao đời sống

Điều thuận lợi là HTX An Phú được thành lập từ mô hình tổ hợp tác nên các thành viên đều từng bước làm quen với hình thức liên kết sản xuất. Mặt khác, các thành viên đều là những người gắn bó với cây thốt nốt nên hiểu được giá trị của loại cây trồng này. Ngoài khai thác, hiện các thành viên cũng trồng thêm cây con nhằm đảm bảo sản lượng khai thác. Nhờ đa dạng sản phẩm, khai thác theo từng thế mạnh của cây về từng mùa nên đầu ra của mô hình kinh tế tập thể này không bị dồn ứ. Khách hàng ở nhiều tỉnh thành cũng đánh giá cao sự độc đáo của sản phẩm mà HTX làm ra.

Hoạt động của HTX An Phú đã góp phần đẩy mạnh, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của địa phương theo hướng hiện đại, phù hợp với nhu cầu thị trường, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, góp phần xây dựng xã biên giới An Phú đạt tiêu chí 10 về thu nhập và tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Theo các ngành chức năng, Tịnh Biên là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Khmer chiếm gần 30%, tập trung ở các xã Văn Giáo, An Cư, Vĩnh Trung, An Hảo và Tân Lợi. Cây thốt nốt lại gắn bó mật thiết với đồng bào Khmer nên ở những xã này đều là những địa phương trồng nhiều thốt nốt nhất huyện.

Sản phẩm mật thốt nốt được đầu tư bao bì giúp nâng cao giá trị.

Sản phẩm mật thốt nốt được đầu tư bao bì giúp nâng cao giá trị.

Để nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân từ loại cây trồng này, chính quyền huyện Tịnh Biên cũng hỗ trợ người dân, HTX về tập kỹ thuật, bao bì, công nghệ, xúc tiến thương mại. Qua đó, giúp công việc của thành viên, bà con nhẹ nhàng, sản xuất nhiều hơn so trước đây chỉ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ.

Thời gian qua, các loại đặc sản từ cây thốt nốt, như: Đường, rượu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… của người dân, HTX được hỗ trợ quảng bá phát triển thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đây là cơ sở giúp người dân, HTX giữ gìn và gắn bó với nghề truyền thống. Vì đây là ngành nghề vừa có được kinh tế ổn định, vừa góp phần lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của địa phương.

Việc phát triển cây thốt nốt theo hướng hàng hóa đang góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống, giảm nghèo của huyện. Theo thống kê, việc triển khai đồng bộ biện pháp tuyên truyền và đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, hỗ trợ vốn… trong phát triển cây thốt nốt đã góp phần kéo giảm số hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 1.095 hộ vào năm 2022, chiếm tỷ lệ 3,6% dân số toàn huyện.

Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững

Thực tế cho thấy, giảm nghèo là một việc không hề đơn giản, nhất là đối với Tịnh Biên là một huyện biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chính vì vậy, làm sao để nâng cao thu nhập, không để ai bị bỏ lại phía sau đã khó, việc để người dân giảm nghèo nhưng không tái nghèo còn khó hơn.

Trong khi đó, giảm nghèo bền vững là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 90/2022/QĐ-TTg.

Theo đó, để giảm nghèo cần đảm bảo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Các địa phương cần hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng này, huyện Tịnh Biên đã xác định, việc giảm nghèo cần dựa vào nông sản đặc trưng của địa phương, trong đó có cây thốt nốt, nhằm giúp người dân phát huy nội lực và gia tăng giá trị từ chính loại cây trồng này.

Từ nguồn vốn và Chính sách của Chương trình giảm nghèo, huyện cũng đã hỗ trợ người dân, HTX kinh phí mua vật tư, dụng cụ sản xuất, chế biến đường thốt nốt. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực này cũng được được tập huấn kỹ thuật, kiến thức, tham quan mô hình để học hỏi kinh nghiệm… Qua đó, việc chế biến và sản xuất đường thốt nốt được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, theo các thành viên của HTX An Phú, trong quá trình sản xuất, HTX cũng gặp những khó khăn như quá trình thu hoạch thốt nốt rất nguy hiểm, trong đó dụng cụ hỗ trợ hạn chế. Bên cạnh đó, HTX muốn được vay vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư thêm cho công nghệ máy móc nhằm giúp sản phẩm bán ra với giá ổn định, dễ cạnh tranh.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Tịnh Biên đang có kế hoạch tiếp tục phối hợp ngành chuyên môn tạo điều kiện để HTX sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ cây thốt nốt An Phú được vay vốn, hỗ trợ dụng cụ thu hoạch thốt nốt. Ngoài ra, huyện sẽ hình thành điểm trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ từ cây thốt nốt và kết nối với các tour du lịch để giới thiệu đến du khách gần xa.

Nếu có thêm sự quan tâm từ địa phương, không chỉ HTX An Phú mà những hộ dân sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây thốt nốt cũng sẽ hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống. Đặc biệt, khi các sản phẩm mỹ nghệ từ cây thốt nốt được thị trường tiếp nhận, nhất là thị trường nước ngoài sẽ là tín hiệu lạc quan để người dân địa phương, HTX khai thác tối đa lợi thế từ loài cây đặc sản này trong tương lai.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/giam-ngheo-o-xu-so-cay-thot-not-1094335.html