Giảm nghèo thông tin, tạo sinh kế cho người DTTS vùng đặc biệt khó khăn

Giảm nghèo thông tin là một trong những giải pháp quan trọng đang được xã Ia Pết triển khai để giúp người DTTS trên địa bàn có sinh kế bền vững.

Trong thời gian qua, tỉnh Gia Lai luôn nỗ lực thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ cao trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp đóng tại các xã vùng III – xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để tạo điều kiện cho người dân địa phương có thêm công ăn việc làm ổn định.

Đóng trên địa bàn xã Ia Pết – một xã vùng vùng III của huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, nhà máy chế biến chuối tiêu hồng của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm cho người dân đồng bào DTTS tại địa phương và các vùng lân cận. Mỗi năm, nhà máy tạo việc làm cho gần 1.000 lao động chính thức và lao động thời vụ, giúp cải thiện cuộc sống của người dân.

Để có được thành quả này, không thể không nhắc tới những nỗ lực tuyên truyền, thông tin của chính quyền địa phương tới đông đảo bà con nhân dân về những chính sách tuyển dụng, các phúc lợi của người dân khi làm việc tại nhà máy.

Chị Mui, người dân tộc Bana, đang là công nhân nhà máy. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có nhiều đất sản xuất. Được xã thông tin về chính sách tuyển dụng, các quyền lợi được hưởng khi làm việc tại nhà máy sản xuất đóng trên địa bàn, chị Mui đã mạnh dạn đăng ký.

Với công việc cân đong và đóng gói sản phẩm, mỗi ngày làm 8 tiếng, chị Mui được nhận mức lương 6 triệu đồng. Với chị, đây là một mức thu nhập tốt bởi không phải lo nắng, lo mưa, không phải bận tâm tới chuyện mất mùa, mất giá.

Được chính quyền thông tin, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã có việc làm ổn định

Được chính quyền thông tin, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã có việc làm ổn định

Cũng như chị Mui, chị Pieng, người dân tộc Jrai cũng đang làm tại nhà máy chế biến chuối tiêu hồng này. Chị Pieng cho biết, biết được thông tin tuyển dụng của nhà máy từ chính quyền xã, chị đã đăng ký vào làm việc ngay. Tới nay, chị đã làm tại nhà máy này được 2 năm và được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.

“Nhà tôi ở gần đây nên đi làm rất tiện, tôi không phải thuê nhà nên có thể tiết kiệm được chi phí. Công việc ở đây rất tốt, nhàn hơn chúng tôi làm nông. Các lãnh đạo nhà máy rất quan tâm tới đời sống công nhân chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều nhà máy như thế này để chúng tôi có thêm cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập”, chị Pieng chia sẻ.

Ông Lê Hoàng Linh, Giám đốc vùng trồng Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn cho biết: “Hiện tại nhà máy chúng tôi sử dụng 800-900 lao động là người địa phương, trong đó, chúng tôi chủ yếu sử dụng những lao động là người DTTS, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã và các khu vực lân cận. Mức lương của các lao động từ 6-7 triệu đồng/tháng, đối với lao động cố định, chúng tôi đều đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ”.

Ông Lữ Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Pết cho biết, xã luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xã trong công tác tuyển dụng lao động. “Chúng tôi luôn kết nối với các doanh nghiệp để năm bắt thông tin tình hình, cơ chế tuyển dụng, các quyền lợi, phúc lợi đối với người lao động để tuyên truyền, thông tin tới người dân. Nhờ đó mà tới nay đã giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, qua đó giúp người dân ổn định kinh tế”, ông Tuấn thông tin.

Bên cạnh đó, xã cũng tích cực kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn để phát triển vùng trồng cây nguyên liệu, đưa mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn về với địa phương, giúp cho người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi tập quán sản xuất, biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Song song với đó, hỗ trợ người dân kết nối với nguồn thu mua để đảm bảo nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần cải thiện tích cực đời sống người dân.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giam-ngheo-thong-tin-tao-sinh-ke-cho-nguoi-dtts-vung-dac-biet-kho-khan-2348455.html