Giảm nghèo từ nguồn vốn chính sách tín dụng

Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Vân Hồ vẫn được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai kịp thời. Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đã phân bổ kế hoạch tăng trưởng tín dụng, chỉ tiêu kế hoạch huy động tiền gửi tiết kiệm cho các xã. Đồng thời, chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các xã và các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác tăng cường rà soát, giải ngân cho vay, xử lý nợ, thu lãi. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng và sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Người dân đến giao dịch tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vân Hồ.

Người dân đến giao dịch tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vân Hồ.

Trên địa bàn huyện Vân Hồ đang triển khai 14/19 chương trình tín dụng chính sách. Để nâng cao hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát việc quản lý và bảo toàn nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ; tham mưu cho UBND huyện chuyển nguồn ngân sách quy định hàng năm sang Ngân hàng CSXH huyện để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; ưu tiên cho vay chương trình giải quyết việc làm, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; người lao động tại huyện nghèo đi xuất khẩu lao động... Để giúp các đối tượng này tiếp cận nguồn vốn vay nhanh nhất và đạt hiệu quả, Ban đại diện HĐQT đã thành lập 14 điểm giao dịch tại 14 xã, để phục vụ công tác cho vay, thu nợ và giải quyết các nghiệp vụ khác của Ngân hàng CSXH tại địa phương. Tại các điểm giao dịch, có biển hiệu quy định rõ ngày giao dịch, nội quy giao dịch, các chương trình cho vay, niêm yết danh sách số hộ còn dư nợ trong hạn, quá hạn... Các tổ thực hiện giao dịch lưu động hoạt động tại trụ sở UBND các xã vào một ngày cố định trong tuần (giao dịch cả ngày thứ bảy và chủ nhật), giúp các đối tượng vay vốn tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại. Ngoài ra, còn bổ sung một số phiên giao dịch để thực hiện giải ngân không để tồn đọng vốn. Đồng thời, hằng tháng tổ chức các phiên họp thường kỳ với các tổ tiết kiệm và vay vốn để đánh giá kết quả hoạt động, chỉ ra những tồn tại và nguyên nhân, tìm các giải pháp để tiếp tục triển khai, kiểm tra giám sát, phân bổ nguồn vốn kịp thời cho các xã.

Cùng với đó, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Ban đại diện HĐQT đã thành lập 222 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 122/124 bản, tiểu khu trong toàn huyện thực hiện ủy thác vay vốn để người dân tiếp cận với nguồn vốn, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thuận lợi trong việc lập hồ sơ vay vốn, thu nộp tiền lãi, tiền gửi... Thông qua phương thức ủy thác cho vay đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội, đoàn thể thường xuyên tiếp xúc với hội viên, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của hội viên, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, để cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đến nay, nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ qua Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH đã đến được với các đối tượng thụ hưởng. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ lớn nhất, với trên 231 tỷ đồng (chiếm hơn 62% tổng dư nợ). Các hộ vay vốn đầu tư phát triển chủ yếu tập trung vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như, chè, bưởi, cam, chanh leo; chăn nuôi trâu, bò sinh sản... nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Lâm Mạnh Cường, bản Liên Hưng, xã Tô Múa, chia sẻ: Trước đây, gia đình chỉ làm nương trồng cây ngô, cây sắn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường, nên thu nhập bấp bênh. Do được tư vấn về cây trồng, vật nuôi và tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng cây ăn quả, nuôi 8 con bò sinh sản, 15 con trâu, bò nhốt chuồng, trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập 200-250 triệu đồng. Đến nay, nhà tôi không những trả được cả gốc lẫn lãi, mà đời sống của gia đình đã được cải thiện.

Ông Phạm Việt Hải, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vân Hồ, cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vân Hồ đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể đã quản lý dư nợ trên 370 tỷ đồng, với 8.862 hộ vay vốn, các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành tốt việc trả nợ, trả lãi và phát huy hiệu quả vốn vay, trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho 1.500 - 1.750 lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 33,7% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm.

Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục giải ngân kịp thời các nguồn vốn cho vay theo kế hoạch phân bổ, ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn giúp người dân nghèo thoát nghèo.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giam-ngheo-tu-nguon-von-chinh-sach-tin-dung-35531