Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Trao cần câu hơn trao xâu cá
Với hàng hoạt các chính sách, chương trình giảm nghèo, Bình Phước đang tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.
Tỉnh Bình Phước có trên 20% là người dân tộc thiểu số, trong số đó phần lớn đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Với hàng hoạt các chính sách, chương trình giảm nghèo, đặc biệt chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, làm 1.000 km đường giao thông nông thôn, Bình Phước đang tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.
Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ bò giống
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Điểu Thị Rế (dân tộc S’Tiêng, thôn 9, xã biên giới Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) vào một ngày trung tuần tháng 11. Ngôi nhà lợp lá dột nát trước đây của chị Rế đang được thay bằng căn nhà gạch vừa thi công khoảng 1 tuần nay. Trong vườn cao su của gia đình, đàn bò 7 con đang nhởn nhơ gặm cỏ.
“Gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ một cặp bò giống. Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng mua thêm hai con bò nữa. Đến nay, sau 2 năm, đàn bò đã nhân lên 7 con. Kinh tế gia đình đang ngày càng vững vàng hơn, không còn cảnh đói như trước đây”, chị Điểu Thị Rế vui mừng kể.
Chỉ vào căn nhà đang xây dở, chị Rế cho biết, vợ chồng chị có 4 người con, hai cháu đã nghỉ học, còn hai cháu vẫn được đến trường. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, gia đình chị được hỗ trợ sửa lại căn nhà dột nát.
“Cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện và hỗ trợ để gia đình thoát được cảnh nghèo. Mong muốn sẽ có nhiều người nghèo như gia đình tôi được hỗ trợ để cuộc sống bớt khó khăn”, chị Rế nói.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thảo, chồng là người dân tộc Tày (ngụ thôn 10, xã Đắc Ơ) được trao hai con bò giống vào năm 2018. Ngoài được tặng hai con bò, gia đình chị Thảo còn được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng để đào giếng và mua thêm hai con bò nữa. Đến nay, đàn bò của gia đình chị Thảo đã nhân lên 8 con.
“Nhờ được hỗ trợ của chính quyền địa phương và chương trình cho vay giảm nghèo, đến nay, gia đình đã thoát được cảnh nghèo. Hai đứa con được đi học đầy đủ. Hàng ngày, cùng với việc chăn thả bò, làm rẫy thuê và hái măng, cuộc sống gia đình đã vững vàng hơn”, chị Thảo rơm rớm nước mắt kể.
Ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập cho rằng, việc hỗ trợ sinh kế cho người dân trong chương trình giảm nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Cụ thể, các chương trình như trao bò giống, dê giống, cây giống, hỗ trợ mua nông cụ sản xuất… không những giúp những hộ nghèo, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có phương tiện để sản xuất, mà còn giúp họ thay đổi được tư duy phát triển kinh tế, từ đó người dân ý thức vươn lên thoát nghèo.
Trao cần câu hơn trao xâu cá
UBND huyện Bù Gia Mập cho biết, theo thống kê đầu năm 2020, trên địa bàn có 1.914 hộ nghèo, chiếm 9,86% dân số toàn huyện. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 1.172 hộ, chiếm 61,2% trên tổng số hộ nghèo. Ngoài ra, số hộ cận nghèo trên địa bàn là 1.580 hộ, chiếm 8,14%; hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 907 hộ, chiếm 57,4% trên tổng số hộ nghèo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Nguyễn Xuân Hoan cho biết, để hỗ trợ giúp người dân thoát nghèo bền vững, huyện đã triển khai nhiều chương trình, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nông cụ sản xuất, trao con giống, cây giống.
Đặc biệt, hiện nay, đàn bò hỗ trợ cho các hộ nghèo đang phát triển rất tốt. “Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ một cặp bò giống. Sau 3 - 4 năm, đàn bò của mỗi hộ được nhân lên từ 7 - 10 con. Nguồn hỗ trợ này đã tạo động lực và ý chí cho người dân vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”, ông Hoan cho biết.
Với một địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông như huyện Bù Gia Mập, công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ được các chương trình, chính sách giảm nghèo và hướng dẫn người dân triển khai hiệu quả nguồn vốn là việc làm quan trọng của các đơn vị, địa phương.
“Trước đây, người dân đồng bào dân tộc thiểu số thường sống theo từng nhóm, từng vùng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện đề án sắp xếp lại dân cư, hiện nay, trong mỗi bản, khu, ấp dân cư đều có sự xen kẽ giữa người Kinh và các đồng bào dân tộc khác. Chính điều này phần nào giúp các cộng đồng dân tộc học hỏi lẫn nhau về tư duy phát triển sản xuất, từ đó nhận thức của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập, để nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng và mang lại hiệu quả, công tác tuyên truyền và giám sát là rất quan trọng. “Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể, chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân phương thức về phát triển kinh tế gia đình, sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
Đặc biệt, tuyên truyền cho người dân không nên nghe theo một số đối tượng xúi giục thu hoạch điều non, cầm cố đất vườn, vay “tín dụng đen”. Từ đó, người dân hiểu và đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn, không rơi vào bẫy tín dụng đen”, bà Thoa cho biết.
Bà Thoa cho rằng với phương châm “trao cần câu hơn trao xâu cá”, các hộ nghèo đã ý thức hơn trong trong việc phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Tạo bước đột phá mạnh mẽ
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.
“Theo báo cáo từ các địa phương, năm 2020, toàn tỉnh Bình Phước có thể giảm được 1.250 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Nếu đến cuối năm, số hộ nghèo này được giảm, Bình Phước sẽ giảm thêm được 1% số hộ nghèo. Số hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn lại 1,56%. Với kết quả giảm nghèo này, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bình Phước đã đạt và vượt Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra về công tác giảm nghèo trong cả nhiệm kỳ”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Phước Trần Văn Xuân cho biết.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, xây 1.000 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn Bình Phước đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Sau gần 2 năm triển khai, chương trình đã góp phần chuyển biến tích cực đời sống người dân vùng nông thôn, đưa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xóa nghèo bền vững ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Bằng hàng loạt các chương trình, chính sách, Bình Phước đang tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”./.