Giảm nhiều chi phí nếu điều trị sớm cho bệnh nhân Hemophilia tại nhà
Việc điều trị dự phòng và điều trị sớm tại nhà sẽ giúp cho bệnh nhân Hemophilia giảm được 1/6 chi phí điều trị so với việc người bệnh được đưa đến bệnh viện điều trị sau khi bị chảy máu.
Ngày 16/4, Hội Rối loạn đông máu Việt Nam và Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến kỷ niệm Ngày Hemophilia Thế giới 17/4 với thông điệp “Thay đổi để thích nghi - Duy trì sự chăm sóc trong tình hình mới.”
Ngày Hemophilia thế giới 17/4 là một sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm kết nối cộng đồng rối loạn chảy máu toàn cầu.
Trong tình hình dịch COVID-19 đang có những tác động lớn đến tất cả mọi người, trong đó có người bị rối loạn chảy máu, mục tiêu kết nối này đã trở thành ưu tiên hàng đầu.
Bệnh nhân rối loạn chảy máu là những người cần có sự ưu tiên hỗ trợ để tiếp tục được chăm sóc ngay cả trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra và trong tương lai khi đại dịch qua đi.
Chia sẻ những thông tin mới về công tác điều trị, chăm sóc người bệnh Hemophilia tại chương trình, Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, khi dịch COVID-19 lan rộng và tác động đến mọi mặt của đời sống, trên thế giới, công tác chăm sóc, điều trị cho cộng đồng rối loạn chảy máu chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do hoạt động giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, công tác chăm sóc người bệnh Hemophilia không bị ảnh hưởng nhiều.
Việc chăm sóc người bệnh Hemophilia tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã có những bước tiến rất đáng kể. Trong đó, có thể kể đến việc, năm 2020, Viện đã hoàn thành đào tạo, tập huấn cho cán bộ, y, bác sỹ của 10 Trung tâm Hemophilia vệ tinh nằm ở các bệnh viện lớn của các tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc vào Nam.
Việc xây dựng và đào tạo cán bộ cho 10 trung tâm giúp các bệnh viện tuyến dưới có đủ khả năng điều trị những rối loạn chảy máu và các trường hợp chảy máu nhẹ; mở rộng mạng lưới cơ sở… từ đó, bệnh nhân có thể dễ dàng tiếp cận các cơ sở điều trị mà không cần phải di chuyển quá xa để đến cơ sở ở Trung ương như trước.
Liên quan đến vấn đề điều trị dự phòng và điều trị sớm tại nhà cho bệnh nhân Hemophilia, bác sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, Viện đã phối hợp với các chuyên gia trong nước, Bộ Y tế xây dựng quy trình điều trị dự phòng và điều trị sớm tại nhà cho người bệnh Hemophilia.
Tuy nhiên, hiện có khó khăn trong việc tiêm thuốc tại nhà đối với người bệnh do nước ta chưa có mô hình nào và Luật Khám, chữa bệnh cũng chưa cho phép người bệnh tự tiêm thuốc tại nhà.
Trong khi đó, trên thế giới, việc để bệnh nhân tự tiêm tại nhà với các thuốc có yếu tố đông máu đã được triển khai. Để triển khai việc điều trị sớm tại nhà cho bệnh nhân Hemophilia, cần chờ sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh.
Bác sỹ Khánh chia sẻ mong muốn, bệnh nhân Hemophilia sẽ được tập huấn và tự tiêm tại nhà, vừa tạo thuận lợi cho người bệnh, vừa giảm thiểu chi phí cho điều trị bệnh.
Dẫn chứng về trường hợp bệnh nhân Hemophilia điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh mới được ra viện gần đây và được bảo hiểm y tế chi trả hơn 38 tỷ đồng sau 11 năm chữa bệnh, bác sỹ Bạch Quốc Khánh khẳng định, nếu được điều trị dự phòng và điều trị sớm tại nhà, chi phí cho điều trị của bệnh nhân Hemophilia trong 11 năm chưa đến 3 tỷ đồng.
Việc điều trị dự phòng và điều trị sớm tại nhà sẽ giúp cho người bệnh giảm được 1/6 chi phí điều trị so với việc người bệnh được đưa đến bệnh viện điều trị sau khi bị chảy máu.
Trong thời gian tới, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để người bệnh Hemophilia chắc chắn được điều trị sớm tại nhà và điều trị dự phòng, bác sỹ Khánh nhấn mạnh.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức về Hemophilia và các rối loạn chảy máu, năm 1989, Liên đoàn Hemophilia Thế giới đã chọn ngày 17/4 - ngày sinh của ông Frank Schnabel, người sáng lập Liên đoàn là Ngày Hemophilia Thế giới.
Từ đó đến nay, lễ kỷ niệm Ngày Hemophilia thế giới 17/4 được tổ chức tại hơn 100 quốc gia thành viên của Liên đoàn Hemophilia thế giới, là một sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm kết nối cộng đồng rối loạn chảy máu toàn cầu. Đây cũng là dịp để toàn xã hội thể hiện sự quan tâm đến cộng đồng người có rối loạn chảy máu./.