Giảm nỗi lo Covid-19, New Zealand đi tiên phong trong bình thường hóa chính sách tiền tệ

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ, ngân hàng trung ương) sẽ bắt đầu giảm kích thích tiền tệ bằng cách ngừng mua trái phiếu nới lỏng định lượng, một động thái được các chuyên gia kinh tế đánh giá là bước đệm chuẩn bị cho việc tăng lãi suất cơ bản của nước này vào cuối năm nay.

Giảm nỗi lo Covid-19, New Zealand đi tiên phong trong bình thường hóa chính sách tiền tệ. (Nguồn: Reuters)

Giảm nỗi lo Covid-19, New Zealand đi tiên phong trong bình thường hóa chính sách tiền tệ. (Nguồn: Reuters)

Ngày 14/7, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của RBNZ, do Thống đốc Addrian Orr đứng đầu, thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,25%, nhưng sẽ ngừng mua trái phiếu theo chương trình Mua sắm tài sản quy mô lớn (LSAP) từ ngày 23/7.

Tuyên bố của RBNZ cho biết, các thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ đã nhất trí rằng, rủi ro lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao tại New Zealand đã được kiểm soát. Đây là tiền đề để RBNZ quyết định đẩy nhanh tiến độ giảm hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế quốc dân, vốn được áp dụng trên quy mô chưa từng có, từ giữa năm 2020 để đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Mặc dù việc mua LSAP “không còn cần thiết cho các mục đích chính sách tiền tệ”, nhưng RBNZ khẳng định, chương trình này “vẫn là một công cụ quan trọng để hỗ trợ một cách hiệu quả cho thị trường nợ của New Zealand nếu được yêu cầu và vẫn là một công cụ chính sách tiền tệ quan trọng sẽ được sử dụng khi cần thiết”.

Ngay sau tuyên bố của RBNZ, đồng đô la New Zealand (NZD) đã tăng lên mức 1 NZD đổi được 70,16 xu Mỹ, cao hơn 0,52 xu Mỹ so với tỷ giá hôm qua.

Quyết định của RBNZ đã đưa cơ quan này trở thành một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên của các nền kinh tế tiên tiến bắt đầu hành động bình thường hóa chính sách sau đại dịch.

Nick Tuffley, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng ASB tại New Zealand, nhận định, thị trường bất động sản của New Zealand đang nóng lên từng ngày, cùng với đó các hoạt động kinh doanh và sản xuất cũng hồi phục nhanh chóng, dẫn đến lạm phát bị đẩy lên cao nhất trong phạm vi mục tiêu của RBNZ và có thể tác động “ngược” tới thị trường lao động.

Nếu các chính sách kích thích hiện tại vẫn được duy trì, kinh tế New Zealand sẽ lâm vào một nguy cơ khác, đối ngược với nguy cơ giảm phát do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Thậm chí, chuyên gia Tuffley kỳ vọng RBNZ sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 8/2021 thay vì tháng 11 như dự tính của hầu hết các nhà đầu tư.

Tuần trước, trong 17 chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới được xin ý kiến, đã có đến 5 trong số họ dự báo RBNZ sẽ tăng lãi suất cơ bản vào tháng 11/2021, nhưng đa số cho rằng, việc tăng lãi suất không nên bắt đầu trước quý II/2022, khi nền kinh tế New Zealand thực sự hồi phục đáng kể và các doanh nghiệp có thể quay lại quỹ đạo hoạt động thường lệ, sau “cú sốc” dịch bệnh Covid.

Trước đó, vào tháng 5/2021, RBNZ đã tiết lộ khả năng sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào nửa cuối năm 2022.

Nền kinh tế New Zealand đang phát triển nhanh hơn dự kiến và thị trường bất động sản đang bùng nổ mạnh mẽ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, trong ba tháng đầu năm 2021, tăng 1,6%, gấp hơn ba lần dự đoán của các nhà kinh tế. Một cuộc khảo sát ý kiến kinh doanh được thực hiện vào tuần trước tại New Zealand cho thấy tốc độ tăng trưởng sẽ được duy trì, đi kèm với áp lực lạm phát gia tăng và nhu cầu nhiều hơn đối với người lao động.

Trong khi, một báo cáo khác cho thấy lạm phát dự kiến hàng năm của New Zealand đã tăng lên 2,7%, gần đạt mức cao nhất trong phạm vi mục tiêu 1-3% của RBNZ.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,7% trong quý I/2021 và các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm còn 4% vào đầu năm 2022.

Tuy nhiên, một số rủi ro đáng kể đối với triển vọng kinh tế “xứ kiwi” vẫn còn tồn tại. Biên giới quốc gia dự kiến sẽ vẫn đóng cửa cho đến năm 2022 và việc triển khai tiêm chủng chậm hơn dự kiến khiến quốc gia này dễ bị tổn thương hơn nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

(theo Rreuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giam-noi-lo-covid-19-new-zealand-di-tien-phong-trong-binh-thuong-hoa-chinh-sach-tien-te-151430.html