Giảm ô nhiễm môi trường: Bắt đầu từ ý thức

Vũ Thuyên

BPO - Cùng với rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp thì rác thải điện tử, xây dựng cũng là nhân tố gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị nếu không được kiểm soát, xử lý tốt, nhất là khu vực đô thị. Vậy cách giải quyết, xử lý các loại rác thải này đối với người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, ngành chức năng như thế nào cho hiệu quả?

Rác thải điện tử có gây ô nhiễm môi trường?

Cơ sở điện tử HT là cửa hàng chuyên sửa chữa tivi trên đường Trần Phú, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài. Trong quá trình sửa chữa sẽ phát sinh các thiết bị hư hỏng không còn khả năng phục hồi hoặc không tái sử dụng do lỗi thời, như vi mạch, bo mạch điện tử, màn hình tivi… Nếu các loại này xả thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Anh Dương Văn Đức, chủ cơ sở điện tử HT cho biết, trong quá trình sửa chữa có một số phế phẩm sẽ xả thải do nhiều nguyên nhân khác nhau… Cái nào còn sử dụng, tái chế được sẽ tận dụng hoặc bán cho nhà thu mua. Còn rác thải chủ yếu là màn hình nhựa tivi do không thể phục hồi. Rác thải này được tập kết bên vỉa hè, cuối ngày sẽ có đơn vị đến thu gom, đưa đi xử lý với giá 200 ngàn đồng/tháng.

Quá trình sửa chữa các thiết bị điện tử, điện dân dụng ít nhiều sẽ xả thải ra môi trường một số thiết bị không còn khả năng tái chế

Quá trình sửa chữa các thiết bị điện tử, điện dân dụng ít nhiều sẽ xả thải ra môi trường một số thiết bị không còn khả năng tái chế

Cửa hàng điện tử Đức Nhuận, đường Lý Thường Kiệt, phường Tân Phú, ngoài sửa tivi công nghệ cao còn sửa chữa các đồ điện gia dụng khác như quạt điện, nồi cơm điện, tủ lạnh… “Rác thải từ cửa hàng chủ yếu là màn hình tivi bằng nhựa và các bo mạch, vi mạch cũ. Qua phân loại, kiểm tra nếu còn sử dụng được thì giữ lại linh kiện để dùng hoặc bán cho những người cần. Còn các phế phẩm nhựa, màn hình không thể tái chế thì bán cho cơ sở ve chai hoặc nhờ xử lý giùm” - anh Quách Thành Đạt, chủ cửa hàng điện tử Đức Nhuận chia sẻ.

Theo thống kê, trên địa bàn phường Tân Phú có 6 cơ sở sửa chữa điện tử, điện lạnh. Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phú Vũ Huy Thắng cho biết: Qua làm việc với các chủ cơ sở, cơ bản họ không xả thải bừa bãi ra môi trường mà thu gom, phân loại đưa đi xử lý đúng nơi quy định. Các hộ sinh sống cạnh cơ sở cũng không có phản ánh gì về ô nhiễm môi trường từ loại rác thải này.

Rác thải từ sửa chữa điện tử chủ yếu là màn hình nhựa tivi và được thu gom, vận chuyển đến nơi tập kết theo quy định

Rác thải từ sửa chữa điện tử chủ yếu là màn hình nhựa tivi và được thu gom, vận chuyển đến nơi tập kết theo quy định

Với tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật, rác thải điện tử, điện dân dụng sẽ tăng lên tương ứng. Theo thống kê, mỗi năm trái đất gánh thêm khoảng 50 triệu tấn rác thải điện tử, trong đó chỉ có 20% tái chế, số còn lại là xả thải. Loại rác thải này phát sinh từ nhiều nguồn: nhà máy sản xuất, cơ sở sửa chữa đến văn phòng công sở, hộ gia đình... Nếu không có cách xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường rất nặng.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Dinh: Rác thải điện tử nếu không được thu gom, xử lý đúng nơi, đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống. Tại Bình Phước, rác thải điện tử cùng với rác thải công nghiệp thuộc lĩnh vực xã hội hóa. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 đơn vị tư nhân thu gom và xử lý các loại rác thải này đúng quy định.

Nâng cao ý thức người dân

Đồng Xoài là thành phố trẻ đang trong quá trình phát triển mạnh nên nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà của người dân cũng rất lớn. Vì thế, sẽ phát sinh phế thải từ công trình xây dựng, chủ yếu là khói bụi, xà bần, bao bì đựng xi măng, vôi, sơn… Để giải quyết tình trạng này không ai khác là trách nhiệm của chủ nhà, chủ thầu khi thi công công trình. Anh Nguyễn Văn Thành, chủ thầu xây dựng, ngụ phường Tân Phú cho biết: Rác thải từ các công trình xây dựng không nhiều, chủ yếu là xà bần, bao bì xi măng. Những phế phẩm này được thu gom, tập kết tại công trường, sau đó cho xe chở đến bãi rác xã Tiến Hưng. Tại đây, họ sẽ có phương án xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, tháo gỡ công trình sẽ phát sinh khói bụi nên ít nhiều tác động đến môi trường xung quanh.

Không chỉ công trình xây dựng mà tại các cửa hàng kinh doanh vật liệu, trong quá trình bốc xếp, vận chuyển đá, cát, gạch, ngói, xi măng sẽ tạo ra khói bụi, vương vãi ra môi trường. Vì vậy, nếu không có giải pháp xử lý cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nhất là làm mất mỹ quan khu dân cư, tuyến đường ra vào. “Kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ vương vãi ra môi trường xung quanh, chúng tôi đã khắc phục bằng cách thường xuyên quét dọn, tưới nước. Khi người dân phản ánh, chúng tôi đều xử lý ngay” - anh Phạm Xuân Trường, chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn phường Tân Phú cho hay.

Rác thải phát sinh từ công trình xây dựng chủ yếu là xà bần và giải pháp chủ yếu là chôn lấp san lấp mặt bằng

Rác thải phát sinh từ công trình xây dựng chủ yếu là xà bần và giải pháp chủ yếu là chôn lấp san lấp mặt bằng

Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phú Vũ Huy Thắng cho biết thêm, những năm qua, lãnh đạo các cấp rất quan tâm việc xử lý rác thải cứng từ các công trình xây dựng, nhất là địa phương đang phát triển mạnh về đô thị. Trong quá trình sửa chữa hoặc xây mới, thông thường chủ nhà, chủ đầu tư sẽ thuê xe ba gác, xe tải chở rác thải xây dựng đến các điểm tập kết để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình nhận chở thuê, một số chủ phương tiện này lại không chở đến điểm tập kết theo quy định mà lén lút đổ trộm ở những nơi đất trống, khu vực vắng người. Qua kiểm tra, từ các hoạt động phong trào, phường đã tổ chức thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết theo quy định.

“Thời gian gần đây, từ tin báo của người dân qua việc chụp lại biển số xe, nơi đổ trộm, UBND phường đã đề nghị công an điều tra, mời lên làm việc, lập biên bản xử lý 4 trường hợp đổ trộm rác thải xây dựng. Ngoài xử lý vi phạm hành chính, chúng tôi còn yêu cầu các đối tượng phải khắc phục hậu quả là thu gom, đưa đến nơi tập kết đúng quy định” - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phú Vũ Huy Thắng thông tin.

Cũng theo ông Thắng, để hạn chế tối đa tình trạng đổ trộm các loại rác thải, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, UBND phường sẽ lắp đặt camera an ninh giám sát tại khu vực đất trống nhằm cảnh báo, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm.

Trao đổi về việc thu gom, xử lý rác thải xây dựng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Dinh cho biết, với các loại rác thải khác thì trên địa bàn tỉnh đều có phương án xử lý, tuy nhiên rác thải xây dựng, đặc biệt là xà bần cần phải tính toán lại. Bởi hiện nay loại rác thải này chủ yếu là chôn lấp, chưa được thu gom và xử lý đúng quy định. “Để hạn chế ô nhiễm, giữ gìn mỹ quan đô thị, theo tôi cần thu gom và phân loại rác thải. Đối với xà bần có thể tìm vị trí để san lấp mặt bằng phù hợp với rác thải xây dựng, còn nếu xả thải ra môi trường sẽ làm mất mỹ quan, nguy cơ gây tai nạn giao thông” - ông Dinh nêu giải pháp.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/12/147951/giam-o-nhiem-moi-truong-bat-dau-tu-y-thuc