Giảm phí, lệ phí: Niềm vui chưa trọn
Nhiều chuyên gia đề xuất gia hạn các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch.
Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị Thủ tướng tiếp tục giảm thêm sáu tháng với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh tại 21 thông tư để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các thông tư này sẽ hết hiệu lực từ 1-1-2021 nhưng cơ quan này đề xuất gia hạn đến 30-6-2021.
Được giảm 1.000 tỉ đồng phí, lệ phí
Các loại phí được Bộ Tài chính đề xuất miễn hoặc giảm là phí dịch vụ chứng khoán cho nhà đầu tư; giảm 30% thuế môi trường với xăng dầu hàng không; giảm 50% phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất gia hạn chính sách hỗ trợ miễn phí, lệ phí đối với một số đối tượng thêm sáu tháng, kéo dài đến hết 30-6-2021. Cụ thể như miễn thuế môn bài đối với nhiều đối tượng như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, miễn lệ phí năm đầu đối với DN, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới. Ước tính ngân sách giảm khoảng 1.000 tỉ đồng khi giảm số phí, lệ phí trên.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021. Theo đó, mỗi lít nhiên liệu bay được đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường là 2.100 đồng thay vì mức 3.000 đồng.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính nhận định rằng kinh tế thế giới trong năm sau tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Kinh tế trong nước vẫn đối mặt với những rủi ro. Nhiều lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành hàng không.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, đánh giá đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra là hợp tình, hợp lý vì tình hình kinh tế trong năm 2021 dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Tháo gỡ khó khăn cho các DN hàng không, kích cầu du lịch là cần thiết. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cần sự đồng đều vì nền kinh tế phát triển cần sự đóng góp của nhiều ngành.
“Tôi cho rằng chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí nên kéo dài đến hết năm 2021. Quan trọng nhất là thủ tục hỗ trợ phải đơn giản, nhanh chóng nhất. Chứ nhiều chính sách đưa ra nhưng rất ít người dân, nhà kinh doanh tiếp cận được, hoặc họ thấy thủ tục rườm rà không muốn xin hỗ trợ” - TS Hiển góp ý.
Cần giảm cả phí trước bạ cho ô tô
Mặc dù đề xuất giảm phí, lệ phí cho khá nhiều ngành nghề và lĩnh vực nhưng Bộ Tài chính lại đề xuất Chính phủ không gia hạn giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 70/2020. Nghị định này thực hiện từ 28-6-2020 và hết hiệu lực từ 1-1-2021.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng việc giảm 50% lệ phí trước bạ đã làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 3.700 tỉ đồng. Mặt khác, trong quá trình thực hiện, đại sứ quán nhiều nước như Indonesia, Thái Lan và Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) có ý kiến về việc phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh và chuyên gia không đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cho rằng cần tiếp tục kéo dài thời hạn giảm phí trước bạ ô tô để kích cầu thị trường, giúp ngành này tránh được những tác động tiêu cực do đại dịch.
“Bởi giảm phí trước bạ ô tô không phải giúp mỗi người tiêu dùng có lợi, mà quan trọng là giúp thị trường này có đầu ra. Từ đó, các hãng ô tô và ngành phụ trợ liên quan sẽ tăng cường sản xuất, lắp ráp trong nước. Như vậy sẽ góp phần tăng thu ngân sách, đảm bảo việc làm cho người lao động” - ông Đồng phân tích.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng chính sách giảm lệ phí trước bạ không phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và sản xuất trong nước. Lý do là bản thân các hãng xe ngoại cũng hưởng lợi khi phần lớn họ đều có mẫu xe đang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ngân sách sẽ không bị thất thu vì chính sách giảm phí trước bạ. “Chính sách này góp phần làm tăng việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác dụng lan tỏa sang các ngành kinh tế khác. Khi người dân ổn định cuộc sống, chi tiêu bình thường thì mới kích cầu được tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19” - ông Hiếu nhấn mạnh.•
Đề xuất giảm thuế VAT, tạm dừng đóng phí công đoàn
Không chỉ Bộ Tài chính mà nhiều bộ, ngành cũng đã đề xuất kéo dài thời gian giảm các loại thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân, DN đến hết tháng 6-2021, thậm chí đến hết năm 2021 và áp dụng đồng đều cho nhiều lĩnh vực để vực dậy nền kinh tế.
Đơn cử, trong văn bản gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất cho phép DN lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn hai năm. Chính sách này nhằm tạo dòng tiền vào, giúp DN duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất.
Hiện nay, khoản tiền ký quỹ 100-500 triệu đồng (tùy thuộc loại hình kinh doanh) nằm ở các ngân hàng thương mại và được hoàn trả khi chấm dứt kinh doanh dịch vụ lữ hành. Do đó, giảm tiền ký quỹ không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Bộ KH&ĐT đề xuất giảm thuế suất giá trị gia tăng (VAT) đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để kích cầu tiêu dùng nội địa; cho lao động được tạm dừng đóng phí công đoàn tối đa 12 tháng, tương tự như chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/giam-phi-le-phi-niem-vui-chua-tron-952073.html