Giảm phụ thuộc dầu khí của Nga, Bỉ tăng tốc tìm công nghệ thay thế

Không chỉ tìm kiếm các nguồn cung dầu khí khác ngoài Nga, Bỉ đẩy mạnh tìm các công nghệ năng lượng thay thế.

Năm 2021, 29% lượng dầu khí nhập khẩu của Bỉ đến từ Nga. (Nguồn: brusselstimes)

Năm 2021, 29% lượng dầu khí nhập khẩu của Bỉ đến từ Nga. (Nguồn: brusselstimes)

Năm 2021, 29% lượng dầu nhập khẩu của Bỉ đến từ Nga. Con số này đã giảm dần kể từ năm 2010. Tuy nhiên, Bỉ sẽ không dễ dàng từ bỏ hoàn toàn nguồn dầu mỏ của Nga, theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC). Trước mắt, Brussels cần tìm kiếm các nguồn cung cấp khác.

Trung Đông, Na Uy, châu Phi là những nhà cung cấp mà Bỉ nhắm đến, nhưng đó không phải là con đường duy nhất. Cần phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch nói chung.

Trong trung và dài hạn, các công nghệ và nguyên liệu thô quen thuộc có thể thay thế "vàng đen", đồng thời có tác động tích cực đến môi trường.

Giảm lượng tiêu thụ

Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng cách nhanh nhất và chắc chắn nhất để giảm sự phụ thuộc là giảm lượng tiêu thụ. Trong mọi trường hợp, Bỉ cần đưa ra chiến lược chuyển đổi càng nhanh càng tốt.

Ông Jean-Benoît Schrans, người phát ngôn của Liên đoàn ngành dầu mỏ Bỉ (Energia), cho biết vào năm 2021, Bỉ đã tiêu thụ khoảng 17 triệu tấn dầu mỏ, trong đó 11,3% để sản xuất xăng, 30,1% để sản xuất dầu diesel, 16,5% cho dầu sưởi ấm. Phần còn lại (42,1% vào năm 2020, 45% vào năm 2021) được sử dụng trong hóa dầu, chế biến thành nhựa, vải vóc, sơn, mỹ phẩm hoặc thuốc.

Bỉ cũng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ (LPG, naphtha, xăng, xăng cho ngành hàng không, dầu máy, dầu thắp sáng, dầu diesel...), đặc biệt là từ Nga.

Tìm lối thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch

Theo Giáo sư năng lượng Francesco Contino, thuộc Đại học công giáo Louvain (UCLouvain) của Bỉ, đây sẽ là một trong những con đường khó khăn nhất. Trong đó, quá trình điện khí hóa sẽ mất nhiều thời gian.

Trong quý I/2022, 9,3% xe đăng ký mới "chạy điện hoàn toàn" (14,8% xe hỗn hợp sạc điện, 7,2 xe hỗn hợp xăng-điện) so với 49% đối với xe chạy xăng và 18,7% chạy diesel. Những dòng xe này vẫn tiếp tục được sử dụng.

Marc Frère, Giáo sư tại Đại học Mons (UMons) cho rằng nhiên liệu điện vẫn cần được nâng cấp cả về năng lực sản xuất và giá cả.

Ông Schrans cho biết, vào năm 2030, 7/10 xe ô tô sẽ vẫn có động cơ nhiệt và cần khử cacbon cho chúng. Do đó, Energia kiên quyết yêu cầu nhà nước ưu đãi thuế đối với nhiên liệu sinh học thế hệ mới.

Hiện nay, xăng và dầu diesel chứa khoảng 10% nhiên liệu sinh học "thế hệ đầu tiên", đang bị chỉ trích rộng rãi vì góp phần vào nạn phá rừng và cạnh tranh với sản xuất lương thực.

Theo Energia, nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai - được sản xuất từ chất thải động thực vật, chất thải gỗ và dầu ăn đã qua sử dụng cần được coi trọng. Động cơ diesel HVO (dầu thực vật đã qua xử lý) giảm 90% lượng khí thải CO2.

Tuy nhiên, Liên đoàn giới chủ Bỉ cho rằng "đó không phải là thứ sẽ cứu chúng ta". Nhiên liệu này quá đắt đỏ vì chúng không được sản xuất tại Bỉ và số lượng không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Trong khi đó, Energia nhấn mạnh, đến năm 2050, nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai có thể đáp ứng 30% nhu cầu của châu Âu.

Các chuyên gia Bỉ đều cho rằng trong ngắn hạn sẽ không có giải pháp thay thế cho dầu của Nga. Những nhiên liệu phát triển được sẽ có giá trị trong trung hạn, từ 3 đến 5 năm.

Về dài hạn, Michel Huart, giảng viên tại Đại học Tự do Brussels (ULB), chuyên gia về năng lượng và tính bền vững, nhấn mạnh: "Một thế giới không có nhiên liệu hóa thạch là một thế giới mà chúng ta tiêu thụ ít hơn. Vấn đề chính là nhu cầu năng lượng".

(theo TTXVN)

Hương Giang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giam-phu-thuoc-dau-khi-cua-nga-bi-tang-toc-tim-cong-nghe-thay-the-182724.html