Giảm quy mô học sinh, nâng chất lượng giáo dục
Trong bối cảnh số lượng học sinh không ngừng gia tăng, việc giảm sĩ số học sinh/lớp là một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành Giáo dục Hà Nội trong năm học 2019-2020. Việc này không chỉ nhằm giảm tình trạng quá tải về quy mô học sinh ở các trường học, góp phần nâng chất lượng giáo dục, mà còn bảo đảm quyền lợi học tập cho mọi học sinh.
Việc giảm sĩ số học sinh/lớp nhằm bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh. Ảnh: Giang Sơn
Nhiều nơi quá tải cục bộ
Theo quy định của Điều lệ trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, quy mô học sinh phải bảo đảm không quá 35 học sinh/lớp ở cấp tiểu học và không quá 45 học sinh/lớp ở cấp trung học cơ sở. Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện tỷ lệ bình quân học sinh/lớp ở các trường học công lập trên địa bàn thành phố là 39 học sinh/lớp, song ở mỗi cấp học và mỗi địa bàn, thì tỷ lệ này lại có sự khác nhau.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, hiện tượng quá tải về số lượng học sinh diễn ra chủ yếu ở các trường thuộc khu vực các quận và các địa bàn có nhiều khu đô thị mới. Đơn cử, quận Cầu Giấy có sĩ số bình quân 56 học sinh/lớp ở cấp tiểu học, 50 học sinh/lớp ở cấp trung học cơ sở; quận Thanh Xuân có sĩ số bình quân 57 học sinh/lớp ở cấp tiểu học, 46 học sinh/lớp ở cấp trung học cơ sở; các quận Hoàng Mai, Hà Đông đều có tỷ lệ bình quân hơn 50 học sinh/lớp ở cấp tiểu học... Ở cấp học mầm non, trong khi tỷ lệ bình quân của toàn thành phố là 34 trẻ/lớp, thì tỷ lệ này ở một số nơi như: Trường Mầm non Đông Ngạc A, Trường Mầm non Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm); Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu, Trường Mầm non Sơn Ca (quận Cầu Giấy) đều ở mức hơn 50 trẻ/lớp…
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Với tổng số hơn 2.700 trường học và hơn 2 triệu học sinh như hiện nay, về cơ bản Hà Nội vẫn đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh. Tuy nhiên, tại một số trường học còn có hiện tượng sĩ số học sinh/lớp cao hơn so với quy định. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh ở một số địa bàn, dẫn đến việc thiếu trường, lớp học cục bộ…
Ông Nguyễn Như Hòa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết thêm, chủ đầu tư một số dự án, khu đô thị mới chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng trường học, hoặc chỉ xây dựng trường tư thục, nên các trường công lập trên địa bàn phải gánh thêm số học sinh ở các dự án, khu đô thị đó, dẫn đến quá tải.
Theo bà Trần Thị Tuyết, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa), hiện tượng sĩ số học sinh/lớp cao còn do tâm lý chọn trường của một số phụ huynh. Vì vậy, có tình trạng học sinh học trái tuyến phường, tức là ở một phường, nhưng lại học ở phường khác, thậm chí có không ít học sinh học trái tuyến quận, nghĩa là cư trú ở quận này, song lại học ở quận khác...
Hà Nội quyết tâm giảm sĩ số học sinh/lớp để nâng chất lượng giáo dục. Ảnh: Thái Hiền
Tăng nguồn lực, hạn chế trái tuyến
Xác định việc giảm sĩ số học sinh/lớp là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi nhà trường để vừa nâng cao chất lượng, vừa bảo đảm quyền lợi của học sinh, tùy theo điều kiện thực tế, các đơn vị đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp khác nhau. Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Nhà trường vừa được UBND quận đầu tư xây dựng thêm một số phòng học, nên nhà trường đã tách học sinh ở một số lớp có quy mô lớn. Thay vì mức sĩ số hơn 50 học sinh/lớp như các năm trước, sĩ số học sinh/lớp của năm học này ở hầu hết các lớp giảm còn 45 học sinh/lớp, tạo điều kiện tốt nhất cho cô và trò dạy, học có chất lượng hơn.
Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, năm học 2019-2020, quận đã cải tạo, xây dựng thêm 6 trường học mới. Vì vậy, sĩ số học sinh bình quân ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở trên địa bàn giảm còn 41 học sinh/lớp, trong khi năm học trước lần lượt là 47 và 43 học sinh/lớp. Để đưa mức sĩ số học sinh/lớp tiệm cận gần hơn với quy định của Điều lệ trường học, phòng tiếp tục tham mưu cho quận xây dựng bổ sung trường, lớp học; xác định quỹ đất tại các khu đô thị mới để bảo đảm vừa có trường công lập, vừa có trường tư thục.
Một giải pháp khác đang được quận Thanh Xuân tích cực triển khai, đó là tăng cường đầu tư, tạo sự đồng đều về điều kiện dạy - học và chất lượng giáo dục giữa các trường học trên địa bàn. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, trên địa bàn quận có tới gần 50% số trường thuộc loại hình tư thục. Do vậy, năm học 2019-2020, phòng sẽ tăng cường quản lý, giám sát và hỗ trợ các trường này, nhằm giảm sự khác biệt về mọi mặt giữa các loại hình trường, từ đó giảm áp lực tuyển sinh cho các trường công lập.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn, nhằm giảm hiện tượng quá tải trường học, trong đó có chủ trương không để tình trạng học trái tuyến giữa các quận. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, chất lượng cho học sinh Thủ đô.