Giảm rác thải nhựa với 'Refill'
Rác nhựa khi ra môi trường mất rất nhiều thời gian phân rã, khi phân rã lại biến thành hạt vi nhựa. Tất cả đều có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Có rất nhiều vật bỏ đi vẫn có thể tái chế được nếu chúng ta biết cách tận dụng chúng.
Những năm gần đây, "refill" sản phẩm đang dần được người tiêu dùng ưa chuộng để giảm thiểu rác thải từ bao bì dùng một lần. Xanh & Refill là một trong những cửa hàng áp dụng hình thức này tại Hà Nội.
"Refill" chính là hình thức mua đong, hình thức này đã tồn tại từ lâu ở Việt Nam. Thời chưa có túi nylon, ông bà ta vẫn đi chợ bằng làn, giỏ và mua mắm, mua dầu được chiết từ những can to sang chai lọ ông bà mang đi.
Giờ đây, đối với cửa hàng Xanh & Refill, khách hàng mang vỏ can, chai rỗng đến để mua hàng. Chủ hàng sẽ "đong" vào chai cho khách và tính tiền. Phương thức này sẽ giúp giảm thiểu sử dụng chai nhựa, túi nylon.
Chị Phạm Thị Thanh Vân (SN 1990), chủ cửa hàng, cho biết, cửa hàng của chị chọn dòng sản phẩm tẩy rửa thân thiện môi trường để phát triển bán theo hình thức "refill", tận dụng vỏ chai đã qua sử dụng nhằm hạn chế rác nhựa ra môi trường.
Vốn là người quan tâm đến vấn đề môi trường từ ngày còn đang trên giảng đường đại học, chị Vân luôn ấp ủ làm sao để sống xanh hơn - tiêu dùng xanh hơn và hơn hết là có thể truyền thông điệp đó đến với nhiều người hơn.
Tại cửa hàng nhỏ xinh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), chị Vân có nước tẩy rửa sinh học enzyme lên men từ vỏ dứa là chủ đạo. Đây là chất tẩy rửa an toàn được tạo ra từ rác hữu cơ bỏ đi là vỏ dứa.
Sản phẩm được rất nhiều người đón nhận và có những phản hồi tích cực từ phía người dùng. Hiện sản phẩm này cũng đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Malaysia...
"Tôi thực sự mong muốn có thể làm tốt mô hình "refill" sản phẩm này và nhân rộng ra thêm nhiều nơi hơn để thuận tiện hơn cho người dùng khi muốn mua theo hình thức "refill", chị Vân chia sẻ.
Song song với các sản phẩm tẩy rửa sinh học, cửa hàng của chị Vân còn các loại như túi cói, túi vải đựng đồ, xơ mướp, xơ dừa rửa bát, giấy vệ sinh tái chế từ vỏ hộp sữa, xà bông thảo dược, kem đánh răng dược liệu từ vỏ trứng gà...
Bản thân chị cũng không lựa chọn bán hàng trên sàn thương mại điện tử để tránh việc gói bọc quá nhiều sẽ gây ra rác thải.
Nếu có khách mua ở xa phải gửi hàng qua bưu điện, chị luôn cố gắng tái sử dụng đồ gói bọc. Đi chợ mà gặp ai có xốp bọc hoa quả bỏ đi là chị xin ngay. Rồi thi thoảng chị được mọi người cho xốp nổ vì họ biết chị tái sử dụng chúng.
"Mang lại cuộc sống thứ 2, thứ 3, thứ n cho rác"
Sự phát triển của công nghệ hiện đại và sự ra đời của túi nilon, nhựa dùng một lần dần dần khiến con người trở lên phụ thuộc rồi lạm dụng. Điều đó khiến lượng rác thải nhựa ra môi trường nhiều khi quá tải và dẫn đến những hệ lụy như hạt vi nhựa được tìm thấy trong muối biển, trong các loại hải sản...
Theo chị Vân, rất nhiều vật bỏ đi vẫn có thể tái chế được nếu chúng ta biết cách tận dụng chúng. Khi tận dụng được sẽ mang lại cuộc sống thứ 2, thứ 3, thứ n cho rác. Từ đó hạn chế được rác thải ra môi trường nhiều lần. Ví dụ rác nhà bếp có thể ủ thành phân để bón cây, ngâm ủ thành Eco Enzyme để làm chất tẩy rửa trong gia đình.
Quần áo nếu lâu không mặc tới thì có thể cho tặng người khác, nếu cũ quá thì tận dụng làm giẻ lau, các mảnh vải vụn có thể khâu thành vỏ chăn nhiều màu sắc, can nhựa tái chế thành chậu cây…
"Tôi thực sự mong muốn ngày càng có thêm nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêu dùng xanh tác động tích cực như thế nào đến môi trường. Khi tiêu dùng xanh, chúng ta sẽ hạn chế được hóa chất độc hại cũng như tận dụng được nguồn tài nguyên từ tái chế.
Có thể về hình thức, chúng không được đẹp mắt như đồ mới nhưng nếu nghĩ cho tương lai của con em chúng ta và vì một môi trường xanh - đẹp hơn thì điều đó xứng đáng", chị Vân chia sẻ.
Thời gian đầu, khi mới bước vào kinh doanh các sản phẩm xanh, chị gặp nhiều khó khăn bởi sản phẩm xanh chất lượng thường có giá cao hơn sản phẩm thông thường. Rồi hình thức bán "refill" đòi hỏi bỏ nhiều công sức nhiều hơn như phải đi xin vỏ chai, phải trực tiếp đi ship để chiết vào can/chai cho khách. Hàng hóa nước tẩy rửa nặng nên nhiều khi chở đi cũng khó khăn.
Kiên trì với sản phẩm xanh và hình thức bán "đong" truyền thống, chị Vân hy vọng trong tương lai không xa, hình thức bán "đong" sẽ quay trở lại thành thói quen của người dân, góp phần giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giam-rac-thai-nhua-voi-refill-20241113110522452.htm