Giám sát bữa ăn học đường - khó hay dễ?

Các trường học ở TP Cần Thơ tổ chức bếp ăn bán trú tại trường để đảm bảo khâu giám sát. Những trường đặt suất ăn bên ngoài được ngành Giáo dục và Y tế kết hợp giám sát thường xuyên…

Nhân viên chuẩn bị bữa ăn trưa cho HS Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Ảnh: Nguyễn Quốc

Nhân viên chuẩn bị bữa ăn trưa cho HS Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Ảnh: Nguyễn Quốc

Giám sát bếp ăn tại trường

TP Cần Thơ mỗi ngày có hơn 81.000 học sinh ăn bán trú. Trong đó, có 70/171 trường tiểu học có tổ chức bếp ăn bán trú với hơn 34.600 học sinh; cấp mầm non có 174/176 trường tổ chức ăn bán trú với 47.169 học sinh. Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), hiện nay công tác y tế trường học, đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn mỗi trường là cực kỳ quan trọng.

Chỉ thực hiện tốt công tác y tế trường học thì nhà trường mới hoàn thành tốt các mục tiêu của ngành. Sở, phòng GD&ĐT luôn nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên công tác y tế trường học; bảo đảm an toàn vệ sinh, thực hiện phòng chống hiệu quả dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; tổ chức các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho học sinh…

Các bếp ăn được nhà trường đầu tư theo quy trình 1 chiều (thức ăn sống và chín được cung cấp, xử lý, chế biến theo đường riêng, khu vực riêng). Nhân viên phục vụ bếp ăn thường xuyên được tập huấn về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.

Để làm tốt công tác này, không chỉ riêng ngành Giáo dục mà còn có sự vào cuộc của ngành Y tế. Hằng năm, Sở GD&ĐT cùng Sở Y tế ký kết kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trường học. Trong đó, vai trò của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm là đầu mối, kết hợp cùng ngành Giáo dục kiểm tra trực tiếp các bếp ăn trường học và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh.

Trao đổi về công tác an toàn thực phẩm trường học, bác sỹ CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ cho biết: Ngành Y tế Cần Thơ thường xuyên phối hợp với Sở GD&ĐT và Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố lập các đoàn kiểm tra. Qua đó rà soát các đơn vị, trường học trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ còn phối hợp với Sở Y tế tiến hành mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.

Đối với các trường học không đủ diện tích, điều kiện để tổ chức bếp ăn thì hợp đồng với cơ sở bên ngoài cung cấp suất ăn cho học sinh. Theo chia sẻ của lãnh đạo các trường, để bảo đảm an toàn thì khâu kiểm tra, giám sát phải thường xuyên. Trong đó, ngành Giáo dục cùng ngành Y tế, đặc biệt là các Trạm y tế xã, phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học và các cơ sở nấu ăn. Việc lưu mẫu thức ăn, nguồn gốc thực phẩm và truy xuất nơi cung cấp thực phẩm cũng được giám sát chặt chẽ. “Tuy giám sát, kiểm tra kỹ nhưng giáo viên chủ nhiệm và cán bộ y tế hàng ngày phải quan sát những biểu hiện của học sinh để kịp thời phát hiện những bất thường về sức khỏe. Từ đó tìm hiểu nguyên nhân và điều trị, hoặc phối hợp y tế địa phương xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Hữu Nhân cho biết.

Nhân viên cung cấp thực phẩm trường học tiến hành lưu mẫu thức ăn và ghi vào sổ theo dõi. Ảnh minh họa

Nhân viên cung cấp thực phẩm trường học tiến hành lưu mẫu thức ăn và ghi vào sổ theo dõi. Ảnh minh họa

Giáo dục, y tế cùng vào cuộc

Theo chia sẻ của lãnh đạo các trường, việc tổ chức bếp ăn bán trú trong trường không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với các trường phải thuê đơn vị bên ngoài cung cấp suất ăn cho học sinh thì vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Đặc biệt khâu giám sát, kiểm tra đều phụ thuộc vào ngành Y tế địa phương. Bên cạnh đó là quá trình phân chia thức ăn, vận chuyển đến trường để cho học sinh ăn. “Hiện nay, an toàn thực phẩm luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chỉ cần sơ suất trong một khâu có thể thực phẩm bị nhiễm khuẩn, gây ngộ độc hàng loạt. Nếu nấu tại bếp ăn trường học thì có thể kiểm soát tất cả các khâu. Còn giao cho đơn vị bên ngoài nấu thì khó mà quản lý hết”, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho biết.

Về giải pháp, hiện nay các đơn vị cung cấp suất ăn được sự giám sát của nhà trường, ngành y tế địa phương và đại diện phụ huynh học sinh. Việc lưu mẫu thức ăn thực hiện hằng ngày theo quy định và bắt buộc phải có hợp đồng nhập thực phẩm, cam kết trách nhiệm với các cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín trên địa bàn. Tuyệt đối không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc… “Trường hợp đồng với các nhà cung cấp và nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, bảo đảm nguồn gốc và chất lượng. Hằng ngày, trường phân công cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên kết hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh kiểm tra nguồn thực phẩm đầu vào và thức ăn sau khi chế biến. Đồng thời kiểm tra khâu phân chia suất ăn và kiểm tra giờ ăn của học sinh...”, thầy Nguyễn Văn Cao, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cái Khế 2, quận Ninh Kiều cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm tại 250 trường có tổ chức bán trú, bếp ăn tập thể, căn tin. Phòng GD&ĐT quận, huyện cũng đã tiến hành kiểm tra 100% cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú.Việc thực hiện các quy định về công tác vệ sinh trong chế biến, các quy định về tổ chức bếp ăn một chiều, thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và thực hiện lưu mẫu đúng theo quy định. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố không có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giam-sat-bua-an-hoc-duong-kho-hay-de-PacBR81Gg.html