Giám sát chặt chẽ sẽ không có hiện tượng… ngồi nhầm lớp
Nếu người quản lý sát sao, giám sát chặt chẽ, chống bệnh thành tích thì chắc chắn không thể để xảy ra hiện tượng học sinh 'ngồi nhầm lớp'. Cần phải chấn chỉnh tình trạng này, có chế tài rõ ràng với những cá nhân đặt nặng bệnh thành tích.
Sau khi Báo SGGP có bài viết “Hãy trả em về đúng lớp” nói về hiện tượng không ít học sinh đang học các lớp 3, 4, 5 ngay tại TPHCM, nhưng khả năng đọc, viết rất kém (thậm chí có những em đánh vần, đọc chậm hơn cả những học sinh lớp 1 bình thường), chúng tôi tiếp tục ghi nhận tại nhiều trường tiểu học trên cả nước, tình trạng “học sinh ngồi nhầm lớp” không hề hiếm.
Một số giáo viên ở tỉnh Nam Định cũng cho biết, dù ít nhưng vẫn có một số trường hợp học sinh học đến lớp 5 vẫn chưa đọc thạo; vì “thương” các em, nhà trường vẫn để học sinh đó lên lớp. Đáng chú ý là, số học sinh kém môn Toán phổ biến hơn môn Tiếng Việt...
* Thầy ĐÀO CHÍ MẠNH, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc:
Trường tôi không có học sinh đang học các lớp 3, 4, 5 nhưng khả năng đọc, viết rất kém. Trường hợp này chỉ xảy ra với một số học sinh bị thiểu năng trí tuệ, còn học sinh bình thường thì không có. Nếu ở trường chúng tôi mà có trường hợp nào như vậy thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về giáo viên.
Quan điểm của trường là rà soát thường xuyên, sau đó mời giáo viên làm việc, làm rõ giáo viên đã nhiệt tình dạy cho học sinh chưa, nếu giáo viên đã làm hết sức mà học sinh vẫn chưa đạt thì sẽ mời phụ huynh đến để phối hợp dạy. Nếu sau khi giúp đỡ, kiểm tra lại mà học sinh vẫn chưa đạt thì sẽ phải ở lại lớp.
Từ trước đến nay, trường chúng tôi cũng có một vài trường hợp ở lại lớp, rất ít thôi, đều là trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ vướng vòng lao lý khiến con cái bơ vơ. Quan điểm của trường rất rõ ràng, không để học sinh đó bị mù chữ khi lên THCS, vì như thế là chúng ta có tội với học sinh.
Tôi biết ở một số trường có các trường hợp học sinh đang học các lớp 3, 4, 5 nhưng khả năng đọc, viết rất kém, đó là do các trường chạy theo thành tích ảo, chưa đi vào kết quả thực chất. Quan điểm của tôi là học sinh nếu kém quá thì phải ở lại lớp, khi đó nhà trường và phụ huynh phối hợp với nhau để giúp đỡ cho học sinh tiến bộ.
* Thầy ĐẶNG NGỌC HOÀN, giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An:
Trường tôi không có tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, vì nguyên tắc là nếu học xong lớp 1 không đọc được thì không được lên lớp 2, chỉ trừ trường hợp đó là học sinh khuyết tật (tự kỷ, tăng động, khó khăn về nhận thức và gia đình mong muốn cho con được học hòa nhập). Trường hợp học sinh học hết lớp 1 mà không biết đọc cũng rất hạn hữu, cả trường chỉ có vài em.
Với những trường hợp này, hè lớp 1, giáo viên phải có trách nhiệm phụ đạo cho học sinh; lên lớp 2, giáo viên phải “bảo lãnh”, nếu cam kết sẽ giúp đỡ để em đó học được thì nhà trường mới cho lên lớp, còn không, học sinh sẽ phải học lại lớp 1. Những trường hợp này, kể cả phụ huynh xin thì trường cũng kiên quyết cho ở lại lớp.
Thực tế, nếu học hết lớp 1 mà học sinh chưa biết đọc, phụ huynh sẽ đến tận nơi để “kiện” cô giáo. Rất đáng mừng là ở trường chúng tôi, dù nông thôn, nhưng phụ huynh ngày càng quan tâm đến việc học của con cái. Học sinh tiểu học thì cơ bản học 2 buổi/ngày nên giáo viên cũng quan tâm học sinh nhiều. Chỉ trừ một vài trường hợp đặc biệt lắm, học sinh học xong lớp 1 mới không đọc được, đó là do bố mẹ đi làm xa, con ở nhà với ông bà, không được quan tâm thường xuyên.
* PGS-TS TRẦN XUÂN NHĨ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:
Tôi cho rằng, điều này có liên quan đến vấn đề thi đua, bệnh thành tích. Chuyện học sinh đang học các lớp 3, 4, 5 nhưng khả năng đọc, viết rất kém; thậm chí có những em đánh vần, đọc chậm hơn cả những học sinh lớp 1 là điều khó có thể chấp nhận.
Tôi cũng từng biết, ở Tuyên Quang có học sinh lớp 9 không biết chữ, đó là do chủ trương của tỉnh là giáo viên miền xuôi lên miền núi dạy, nếu học sinh được lên lớp thì mới được về, không thì phải ở lại dạy. Chủ trương thì đúng, nhưng do giáo viên thực hiện sai và thiếu sự giám sát, sẽ ra kết quả như vậy. Vấn đề học sinh “ngồi nhầm lớp” phải xem xét chủ trương có đúng không, có thực chất không, tiếp đó là trách nhiệm của người quản lý. Nếu người quản lý sát sao, giám sát chặt chẽ, chống bệnh thành tích thì chắc chắn không thể để xảy ra hiện tượng này. Cần phải chấn chỉnh tình trạng này, có chế tài rõ ràng với những cá nhân đặt nặng bệnh thành tích.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giam-sat-chat-che-se-khong-co-hien-tuong-ngoi-nham-lop-704470.html