Giám sát chặt chẽ tăng lương tối thiểu vùng
Việc sớm thương lượng để bảo đảm tiền lương và các phúc lợi cho người lao động cũng là giải pháp hạn chế tranh chấp
Nghị định 38/CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện lương tối thiểu (LTT) vùng được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7. Đến nay, đa số doanh nghiệp (DN) đều đã tiến hành thương lượng, đưa ra phương án điều chỉnh làm cơ sở để xây dựng lại thang - bảng lương cho người lao động (NLĐ).
Sớm tăng lương cho công nhân
Công ty TNHH Hong Ik Vina (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) đã tăng lương cho toàn bộ NLĐ từ ngày 1-7. Công nhân (CN) mới được ký hợp đồng với mức lương 5 triệu đồng/tháng; CN làm ở bộ phận nặng nhọc, độc hại có mức lương 5,258 triệu đồng/tháng. Riêng CN làm lâu năm được tăng 6% nhân với bậc lương. Theo Công đoàn công ty, mức tăng này khiến đa số CN phấn khởi; CN lâu năm, có bậc lương cao sẽ được tăng hơn 500.000 đồng/tháng.
Công ty TNHH Sài Gòn Precision (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM) cũng đã tăng 8% lương và phụ cấp (2 triệu đồng/tháng) cho CN trực tiếp sản xuất từ tháng 3-2022. Ngoài ra, NLĐ còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp như tiền nhà (150.000 đồng/tháng), nuôi con nhỏ (300.000 đồng/tháng)… Việc tăng lương cộng với các phụ cấp sẽ bảo đảm thu nhập cho CN mới đạt tối thiểu 10 triệu đồng/tháng, CN lâu năm là 12 triệu đồng/tháng. Hiện mức LTT của DN đã hơn 5 triệu đồng/người/tháng và DN vừa điều chỉnh tăng lương cho toàn thể NLĐ nên ban giám đốc đang cân nhắc mức tăng hợp lý.
Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (quận 5, TP HCM), hiện mức LTT và mức đóng các khoản bảo hiểm đang được áp dụng cho hơn 2.000 NLĐ tại 6 đơn vị thành viên đã vượt mốc 6 triệu đồng/người/tháng. Bà Lê Thị Nguyệt Hằng, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết thực tế mức LTT mà nhà nước quy định hiện còn thấp so với mức sống tại TP HCM, do đó để ổn định đời sống NLĐ, các đơn vị trong hệ thống công ty đều chủ động tăng lương hằng năm dù Chính phủ không điều chỉnh LTT vùng. Không những vậy, các đơn vị còn nỗ lực chăm lo phúc lợi khác cho NLĐ như: bảo đảm chất lượng bữa ăn (mức hỗ trợ từ 500.000 - 700.000 đồng/người/tháng), bố trí nơi nghỉ ngơi, chế độ nghỉ mát, khám sức khỏe cùng nhiều khoản phụ cấp...
Bảo đảm quyền lợi người lao động
Sau khi Nghị định 38/CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện LTT được ban hành, các Công đoàn cấp trên cơ sở tại TP HCM đã chủ động hướng dẫn Công đoàn cơ sở thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh LTT, nhất là tại các DN có đông lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn cấp trên cũng phối hợp các ngành chức năng tổ chức giám sát việc điều chỉnh LTT tại DN nhằm ngăn ngừa tranh chấp lao động.
Theo thống kê của LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM, đến ngày 1-7, đã có 111/133 DN trên địa bàn có thông báo điều chỉnh LTT cho NLĐ, mức tăng bình quân là 260.000 đồng/người/tháng. Đáng mừng là các DN vẫn duy trì những khoản phụ cấp, trợ cấp nhằm giúp NLĐ ổn định cuộc sống. "Đối với 22 DN chưa điều chỉnh LTT, LĐLĐ sẽ phối hợp cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận tiếp tục theo dõi, nắm tình hình và chỉ đạo Công đoàn cơ sở đôn đốc chủ DN sớm thực hiện để NLĐ an tâm làm việc" - ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, cho biết.
Tại các KCX-KCN TP HCM, hầu hết DN đều điều chỉnh LTT vùng từ 150.000 - 300.000 đồng/người/tháng. Một số DN có mức lương cao hơn LTT vùng hoặc vừa điều chỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng lương cho NLĐ từ 60.000 - 150.000 đồng/người/tháng. Ngoài tăng LTT cho NLĐ, các khoản như 5% độc hại, 7% qua đào tạo nghề, tiền nhà, hỗ trợ nuôi con nhỏ… vẫn được các DN bảo đảm.
Theo LĐLĐ quận 8, TP HCM, hiện có khoảng 70% DN đã điều chỉnh LTT vùng cho NLĐ từ 260.000 đồng/người/tháng trở lên. Bà Đoàn Ngọc Diễm Lan, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 8, cho rằng dù 2 năm qua Chính phủ không điều chỉnh LTT vùng do dịch Covid-19 nhưng chủ DN vẫn chủ động tăng LTT vùng và mức đóng các khoản bảo hiểm cho NLĐ, trong đó mức tăng đã vượt 4,7 triệu đồng/người/tháng. "Về khoản tăng ít nhất 7% cho lao động đã qua đào tạo, hầu hết DN vẫn giữ nguyên nhưng qua khảo sát, một vài Công đoàn cơ sở cũng gặp khó khăn vì DN yêu cầu đưa ra cơ sở pháp lý. Với những trường hợp đó, LĐLĐ quận đều tư vấn để hỗ trợ Công đoàn cơ sở thương lượng" - bà Lan cho hay.
Giữ nguyên chế độ phúc lợi
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết để bảo đảm quyền lợi của NLĐ trong điều chỉnh LTT vùng theo Nghị định 38/CP, LĐLĐ TP HCM đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phải theo dõi chặt chẽ, kịp thời nắm bắt tình hình và thường xuyên báo cáo về LĐLĐ TP HCM. Theo kết quả khảo sát, nhiều DN đã tăng lương cho NLĐ, đồng thời vẫn giữ nguyên các chế độ phúc lợi như những thỏa thuận trước đó với NLĐ. Một số nơi, Công đoàn cơ sở vẫn tiếp tục thương lượng với DN để có mức điều chỉnh hợp lý, không để xảy ra tranh chấp lao động.