Giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm

Theo dõi các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước có thể thấy, ý kiến thảo luận, tranh luận của các đại biểu Quốc hội đã phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Cử tri và nhân dân kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có giải pháp quyết liệt, hiệu quả đưa kinh tế - xã hội đất nước vượt qua khó khăn, thách thức; giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận 'công bộc của dân' và người đứng đầu các cơ quan công quyền trong thi hành công vụ.

Kỳ vọng giải pháp quyết liệt, hiệu quả

Ý kiến thảo luận, tranh luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp đã phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trong đó, bằng kết quả thực tiễn và cảm nhận từ hơi thở cuộc sống hàng ngày thời gian qua, dư luận cử tri và nhân dân đánh giá cao những chủ trương hợp lòng dân của Đảng, những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội và điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ, nỗ lực của các địa phương cũng như các doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô của đất nước ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; chính sách tài chính, tiền tệ hợp lý đã phát huy hiệu quả, lạm phát được kiểm soát, giá cả hàng hóa, nhất là những mặt hàng tiêu dùng và hàng hóa tư liệu sản xuất thiết yếu khá bình ổn, không bị biến động lớn; đã giảm thiểu tác động tiêu cực lên thu nhập của người dân và doanh nghiệp vốn dĩ bị giảm sút đáng kể so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, dư luận cử tri và nhân dân còn băn khoăn trước thực trạng cũng như viễn cảnh kinh tế và những vấn đề về xã hội đặt ra trong thời gian tới. Đồng thời, bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội phân tích về những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, giải pháp cần khắc phục, nhất là các giải pháp cải cách đồng bộ thể chế, khơi thông nguồn lực làm sao cho doanh nghiệp gượng dậy, “sống khỏe, cường tráng” sau hậu quả nặng nề do đại dịch gây ra. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện đạt các mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) đã đề ra từ năm 2017.

Theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, thực trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn và tìm kiếm thị trường. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng kéo theo tình trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực; nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2022 chỉ đạt 4,8% (kế hoạch là khoảng 5,5%); giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu; rủi ro dịch bệnh tiềm ẩn, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn, thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp... Cử tri và nhân dân kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ có giải pháp quyết liệt, hiệu quả đưa kinh tế - xã hội đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức này.

Gíam sát chặt, xử lý nghiêm

Một trong những nội dung nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên ở nghị trường được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, đó là sự trì trệ trong thực thi chính sách, pháp luật của một bộ phận “công bộc của dân” và người đứng đầu ở các cơ quan công quyền trong thi hành công vụ. Biểu hiện rõ nhất là tâm lý và hành động “không vội, từ từ hãy làm” hoặc “không làm, không dám làm”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ban hành văn bản hỏi, xin ý kiến nhiều nơi vì sợ sai, sợ trách nhiệm, biện minh do cơ chế còn bất cập, do thể chế chưa đầy đủ...

Thực tế, có những chính sách bất cập, được nhân dân góp ý, chuyên gia phản biện, cơ quan ban hành biết sai nhưng chậm sửa. Có những việc đã có quy định rõ ràng nhưng cơ quan chức năng vẫn chậm giải quyết, thực thi; hoặc có những việc dù biết làm sẽ mang lại lợi ích chung nhưng họ không làm vì cho rằng “ôm rơm dặm bụng”, làm vất vả mà chẳng được gì (!?). Cũng có không ít trường hợp cán bộ quản lý, lãnh đạo khi đã nắm quyền thì ít dành thời gian nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, không cập nhật kiến thức chính sách, pháp luật, quá lệ thuộc vào đội ngũ tham mưu, thiếu kiểm tra hoặc có kiểm tra nhưng do không tinh thông luật pháp nên không phát hiện những việc làm sai trái của cấp dưới...

Đây là bệnh thiếu trách nhiệm, vô trách nhiệm, chưa làm tròn bổn phận và chức trách được nhân dân ủy thác, nhà nước giao cho; cũng chính là một hình thức vi phạm quy định pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay, để lại hậu quả tiêu cực không chỉ về vật chất, mà lớn hơn - đó là chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước chậm đi vào cuộc sống, làm ảnh hưởng đến các giá trị tốt đẹp của nền dân chủ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, vì lợi ích chung, tiêu chí tối thiểu trước hết mà nhân dân yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, công chức về “dám nghĩ”, “dám làm” - đó là, chỉ cần họ nắm cho vững, hiểu cho đúng, tinh thông các quy định của chính sách, pháp luật hiện hành; phát hiện kịp thời và đề xuất sửa đổi những bất hợp lý của chính sách; có sáng kiến lập pháp, đề xuất ban hành được các chính sách hiệu quả. Đồng thời, chỉ cần làm việc cho công tâm, làm đúng, đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, thế là đã có lợi cho dân cho nước rồi; không cần cán bộ mà việc công trễ nải, việc dân cần theo chức trách nhiệm vụ được giao chưa tròn, nhưng miệng thì hô hào “vượt rào”, làm những việc tư lợi, trái quy định rồi biện bạch rằng “dám nghĩ” với “dám làm”...

Cử tri và nhân dân cũng mong rằng, Quốc hội, HĐND các cấp và cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai không thực thi hoặc chậm thực thi công vụ, chậm thực thi các chính sách, pháp luật. Song song đó, thường xuyên giáo dục ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức tinh thần “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh” theo tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt khác, Chính phủ và Bộ, ngành chức năng cần hoàn thiện quy định thống kê danh mục công việc gắn với trách nhiệm, vị trí việc làm của cán bộ, công chức ở các cấp; việc thể chế hóa để khen thưởng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cũng theo tinh thần đó.

ThS.Nguyễn Vân Hậu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/giam-sat-chat-che-xu-ly-nghiem-tinh-trang-ne-tranh-thieu-trach-nhiem-i331128/