Giám sát chuyên đề về thực hiện các nghị quyết phát triển du lịch tại huyện Hướng Hóa

Hôm nay 10/9, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Hướng Hóa giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án 'Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030' và Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 15/4/2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022 – 2030; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Hướng Hóa - Ảnh: ĐV

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Hướng Hóa - Ảnh: ĐV

Với lợi thế về khí hậu, các danh lam thắng cảnh còn mang tính nguyên sơ, hùng vĩ, nhiều hang động được phát hiện kết hợp với tiềm năng du lịch lịch sử đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước đến với Hướng Hóa trong những năm gần đây. Số lượng khách hằng năm duy trì ổn định, trong đó đối tượng chủ yếu tập trung khai thác là khách nội địa.

Năm 2023 lượng khách du lịch đến địa bàn đạt 160.000 lượt; riêng 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 170.000 lượt với khoảng 1.000 khách lưu trú, ước đạt doanh thu trên 60 tỉ đồng. Toàn huyện hiện có 30 cơ sở lưu trú với tổng số 536 buồng, phòng; số lao động được tạo việc làm từ hoạt động du lịch khoảng 120 người.

Theo Chương trình hành động số 48-Ctr/HU ngày 19/12/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Hướng Hóa đã xác định tập trung xây dựng 3 nhóm sản phẩm du lịch có tiềm năng bao gồm: du lịch sinh thái; du lịch văn hóa – lịch sử; du lịch cộng đồng – làng nghề. Đến nay huyện đã tạo được các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, thu hút du khách.

Về các sản phẩm du lịch sinh thái, hiện tập trung phát triển tại thác Tà Puồng, xã Hướng Việt và thác Chênh Vênh, xã Hướng Phùng. Về sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử: Đã xây dựng và triển khai kế hoạch khôi phục các hoạt động lễ hội của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; xây dựng và duy trì mô hình “Phiên chợ vùng cao”; tổ chức tuyến đường đi bộ, các dịch vụ giải trí phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.

Về sản phẩm du lịch cộng đồng – làng nghề: Huyện đang tập trung chỉ đạo phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng; xây dựng phương án phát triển du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái tại thôn Trăng – Tà Puồng, xã Hướng Việt.

Huyện cũng chú trọng phát triển du lịch gắn với các tài nguyên du lịch lịch sử cách mạng với di tích chiến trường xưa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa dân tộc và tiềm năng phát triển du lịch biên mậu; quan tâm kết nối du lịch với các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế...

Kinh phí thực hiện đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện từ năm 2018 đến nay là 80 tỉ đồng. Đối với Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND, đến nay trên địa bàn huyện Hướng Hóa chưa có mô hình du lịch được công nhận là điểm du lịch, khu du lịch nên việc áp dụng Nghị quyết chưa được thực hiện.

Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh tham quan khu vườn trồng cây dược liệu tại Vườn hoa Tà Cơn ở huyện Hướng Hóa - Ảnh: ĐV

Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh tham quan khu vườn trồng cây dược liệu tại Vườn hoa Tà Cơn ở huyện Hướng Hóa - Ảnh: ĐV

Tại buổi làm việc, huyện Hướng Hóa đã nêu một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến sự xuống cấp của các di tích lịch sử; nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô có nguy cơ mai một dần; phát triển du lịch cộng đồng chưa phát huy được yếu tố làng nghề truyền thống. Việc liên kết vùng trong phát triển du lịch giữa huyện Hướng Hóa với các vùng lân cận chưa mạnh, chưa thực sự là điểm dừng chân chính của khách du lịch.

Các điểm du lịch phần lớn chưa được quy hoạch; các mô hình làm du lịch chủ yếu mang tính tự phát, công tác quản lý chưa được chặt chẽ vì thế có nguy cơ tác động xấu đến môi trường sinh thái. Từ đó, huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền cần quy hoạch các điểm du lịch có tiềm năng trên địa bàn huyện phù hợp với từng vùng như quy hoạch phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại hồ Khe Sanh, suối Tà Đủ - xã Tân Hợp, đèo Sa Mù – xã Hướng Việt; quy hoạch phát triển du lịch khám phá tại các hang động, thác nước như thác Tà Puồng – xã Hướng Việt, động Kulum, động Brai – xã Hướng Lập, thác Chênh Vênh – xã Hướng Phùng; quy hoạch du lịch cộng đồng tại các địa phương còn lưu giữ đậm nét văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; tăng cường chỉ đạo việc tu bổ, tôn tạo di tích phục vụ phát triển du lịch.

Hỗ trợ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch có tiềm năng lớn trên địa bàn huyện; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Tà Đủ, du lịch cộng đồng kết hợp homestay tại xã Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Lập, Khe Sanh; xây dựng làng nghề truyền thống tại xã Lìa (gồm nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rượu men lá rừng). Quan tâm đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng...

Đoàn khảo sát tại Vườn hoa nhiệt đới ở huyện Hướng Hóa - Ảnh: ĐV

Đoàn khảo sát tại Vườn hoa nhiệt đới ở huyện Hướng Hóa - Ảnh: ĐV

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng ghi nhận những kết quả tích cực của du lịch Hướng Hóa trong thời gian qua. Để giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy du lịch Hướng Hóa tiếp tục phát triển, đề nghị huyện cập nhật ngay quy hoạch chung của tỉnh đưa vào quy hoạch vùng của huyện; trong đó cần quy hoạch sử dụng đất, cắm mốc, khoanh vùng đất cho mục đích phát triển du lịch nhằm kêu gọi, thu hút được những nhà đầu tư chiến lược vào huyện.

Tiếp tục nghiên cứu những quy định mới của Luật Đất đai để hướng dẫn, áp dụng cho các homestay, farmstay giúp người dân yên tâm đầu tư, phát triển du lịch. Huyện ban hành kế hoạch thực hiện các nghị quyết phát triển du lịch, giúp các cơ sở du lịch thực hiện các thủ tục để được hỗ trợ từ Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND; bổ sung đưa vào quy hoạch các điểm du lịch mới.

Đối với địa điểm du lịch thác Tà Puồng, đề nghị Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh tổng hợp các kiến nghị để trình cấp có thẩm quyền; đồng thời mong muốn huyện quan tâm, kêu gọi các nguồn lực để đầu tư tuyến đường dẫn vào thác, nhà vệ sinh, điểm thu gom rác, cơ sở lưu trú... vì đây là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch hàng đầu tại huyện Hướng Hóa hiện nay.

Trước đó, đoàn đã đi khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn huyện như Vườn hoa Tà Cơn, Vườn hoa nhiệt đới, Triệu Mẫn Garden.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giam-sat-chuyen-de-ve-thuc-hien-cac-nghi-quyet-phat-trien-du-lich-tai-huyen-huong-hoa-188196.htm