Giám sát công tác quản lý quy hoạch, đầu tư và vận hành các công trình thủy điện đối với Sở Công thương
Chiều 11/3, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Công thương về công tác quản lý quy hoạch, đầu tư và vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 - 2023. Đồng chí chí La Văn Hồng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 22 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang vận hành khai thác với tổng công suất lắp máy 223,138MW, sản lượng điện năng theo thiết kế 853,016 triệu kWh, cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 650 triệu kWh/năm. Trong đó, 18 nhà máy đang vận hành phát điện lên điện lưới quốc gia, 4 nhà máy vận hành phát điện tự dùng. Qua đó, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp một phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách hàng năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Giai đoạn 2017 - 2023, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh, ban hành theo thẩm quyền về thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các công trình thủy điện. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thủy văn thực tế nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của lũ đối với hạ du, tăng cường cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với chủ đập không tuân thủ đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và thực hiện quản lý an toàn đập, hồ chứa theo quy định hiện hành. Hiện nay, quy hoạch thủy điện tỉnh đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 24/11/2023.
Hằng năm, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước được chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện thực hiện kiểm định theo quy định. Các dự án thủy điện trước khi đi vào vận hành phát điện đều được Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định. Tuy nhiên, có 2 dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.
Trong việc đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các dự án thủy điện còn những tồn tại, vướng mắc như: Công trình thủy điện nhỏ được xây dựng từ trước năm 1970 khi chưa có các quy định về quản lý dự án đầu tư, quản lý chất lượng công trình dẫn đến việc thẩm định, phê duyệt các phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, mốc hành lang bảo vệ nguồn nước còn hạn chế; một số công trình thủy điện hoàn thành đi vào hoạt động nhưng các chủ đầu tư chưa kịp thời hoàn thiện các thủ tục liên quan đến giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nhiều dự án thủy điện vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chưa đáp ứng tiến độ đề ra.
Sở Công thương kiến nghị: Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định trong Nghị định 114/2018/NĐ-CP; kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống giám sát đối với cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc chủ sở hữu các hồ chứa đập thủy điện lắp đặt đầy đủ các thiết bị giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đồng thời, kết nối, truyền dữ liệu về các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; đôn đốc Nhà máy thủy điện Thân Giáp (Trùng Khánh) lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng đề nghị: Sở Công thương khắc phục những tồn tại, hạn chế mà thành viên của đoàn giám sát đã chỉ ra. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, các địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án thủy điện. Những kiến nghị, đề xuất của đơn vị sẽ được đoàn tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, qua đó, sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn nước, bảo đảm việc phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả kinh tế, an toàn gắn với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.