Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động chính quyền cấp xã vùng dân tộc thiểu số

Hoạt động giám sát của Mặt trận đối với chính quyền cấp xã được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng và được thể chế bằng hệ thống pháp luật của Nhà nước. Chủ thể giám sát ở cấp xã gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư... Những năm qua, việc triển khai thực hiện công tác giám sát trong xây dựng chính quyền cấp xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt được những kết quả quan trọng, góp phần để chính quyền cấp xã thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn.

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã quy định các nội dung về giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan nhà nước, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức.

Nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Căn cứ vào Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hình thức tổ chức thích hợp nhất để thực hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước nói chung và chính quyền cấp xã nói riêng.

Chủ thể giám sát ở cấp xã gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Các chủ thể trên đều có đặc điểm chung là sự tồn tại nằm bên ngoài cơ quan quản lý nhà nước ở cấp xã, độc lập hoặc tương đối độc lập với chính quyền cấp xã, bản chất hoạt động của Mặt trận không mang tính quyền lực nhà nước, nên giám sát của Mặt trận là giám sát của Nhân dân để thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác xây dựng chính quyền.

Những kết quả đạt được trong công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc cấp xã vùng dân tộc thiểu số

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp công tác năm 2023.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp công tác năm 2023.

ẢNH: KỲ ANH

Trong những năm qua, triển khai thực hiện công tác giám sát để góp phần xây dựng xây dựng chính quyền cấp xã, Ban Thường trực Mặt trận các tỉnh ở vùng dân tộc thiểu số đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như Thanh tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tiến hành tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên đề để trang bị tài liệu, kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp xã và các Trưởng Ban Thanh tra nhân dân.

Đồng thời, hướng dẫn Ban Thường trực Mặt trận cấp huyện phối hợp cùng Phòng Tài chính - kế hoạch, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Mặt trận cấp xã và Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp để thực hiện tốt công tác thanh tra nhân dân, công tác giám sát đầu tư ở cộng đồng; hướng dẫn Ban Thường trực Mặt trận cấp xã tập huấn nghiệp vụ cụ thể cho thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện các nội dung giám sát. Mặt trận Tổ quốc ở 5.266 xã, thuộc 548 huyện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung thuộc 51/63 tỉnh/thành phố đã triển khai các hình thức giám sát bước đầu mang lại một số kết quả tích cực.

Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ chủ chốt cấp xã, giúp các cấp ủy đảng làm tốt hơn công tác tổ chức, quản lý, đánh giá cán bộ. Mặt trận cấp xã tại các địa phương đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đối với Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp xã trong một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng, thực hiện chính sách xã hội nên đã phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém cũng như ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Mặt trận cấp xã ở một số địa phương đã tập trung giám sát vào 3 nội dung chính là giám sát việc ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã; giám sát việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân trên địa bàn cấp xã; giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn.

Hình thức giám sát của Mặt trận được thực hiện chủ yếu thông qua việc nghiên cứu, xem xét nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; động viên Nhân dân thực hiện quyền giám sát; tham gia hoạt động giám sát với Hội đồng nhân dân cùng cấp; tổ chức đoàn giám sát, tự giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tổng hợp ý kiến của Nhân dân và các thành viên của Mặt trận kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, xem xét, giải quyết, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật.

Mặt trận cấp xã ở một số địa phương đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên, các ban, ngành chức năng tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân thông qua tổ chức hội nghị, hệ thống truyền thanh cơ sở, lồng ghép vào các cuộc họp dân của thôn, tổ dân phố… nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Ban Thanh tra nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở địa phương.

Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc và các Ban Thanh tra nhân dân cấp xã ở một số địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết trên cơ sở phối hợp và thống nhất giữa Ủy ban nhân dân cùng cấp; tham gia các cuộc họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

Ở một số địa phương trong vùng, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã nâng cao vai trò Mặt trận cấp xã trong công tác giám sát xóa đói giảm nghèo, giám sát việc thu chi ngân sách, công khai tài chính tại xã, phường, thị trấn; giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình do Nhân dân đóng góp xây dựng, do Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho xã, phường, thị trấn; giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai; thu, chi các loại quỹ và lệ phí theo quy định của nhà nước, các khoản đóng góp của Nhân dân tại xã, phường, thị trấn…

Các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số địa phương đã phát hiện, kiến nghị nhiều vụ việc vi phạm, giúp chính quyền và các cơ quan chức năng khắc phục được sơ hở trong quản lý, xử lý nhiều vụ tiêu cực vi phạm pháp luật ở cấp cơ sở.

Qua tổng hợp báo cáo của 29 tỉnh vùng đồng bào dân tộc sinh sống ở cả 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong 2 năm (2016-2019), Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực hiện 60.442 cuộc giám sát các dự án đầu tư ở cơ sở, chủ yếu là các dự án đầu tư hạ tầng trong thực hiện Chương trình nông thôn mới như: Xây dựng kênh mương, đường liên thôn, trạm y tế, nhà văn hóa… và đã phát hiện 20.170 vụ việc vi phạm, sai sót, trong quản lý và thực hiện chính sách pháp luật, thu hồi cho ngân sách nhà nước 4,467 tỷ đồng; 838,215 ngàn m2 đất. Cụ thể như:

Theo báo cáo của Mặt trận tỉnh Lai Châu trong thời gian từ năm 2017 đến 2019, Mặt trận tỉnh đã hướng dẫn Mặt trận cấp xã thành lập 108/108 Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn với 1.023 thành viên là những người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết về chính sách, pháp luật và tự nguyện tham gia Ban Thanh tra nhân dân. Các Ban Thanh tra nhân dân đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể tiến hành 2.317 cuộc kiểm tra và giám sát để nắm bắt tình hình, theo dõi, giám sát việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo công bằng, khách quan, đảm bảo quyền lợi chính đáng của đồng bào dân tộc và đã kiến nghị 145 vụ với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống sinh hoạt, quyền lợi của đồng bào các dân tộc.

Trong quá trình giám sát, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát hiện và kịp thời kiến nghị với chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, nhà thầu giám sát về những vấn đề liên quan đến đầu tư quy hoạch, địa điểm, thời gian đầu tư; chất lượng vật liệu đưa vào công trình; ảnh hưởng môi trường, chất lượng công trình trước khi nghiệm thu, bàn giao. Đồng thời, thông qua các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về chế độ, chính sách đền bù, giải tỏa mặt bằng di dân tái định cư các công trình thủy điện, Ban Thanh tra nhân dân đã tham gia giám sát hơn 1.500 vụ việc liên quan đến giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Qua đó, ổn định tư tưởng đồng bào các dân tộc và tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương.

Mặt trận tỉnh Bắc Giang trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, Mặt trận cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập 230/230 Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn với 2.267 thành viên. Các Ban Thanh tra nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đã giám sát được 3.654 cuộc, phát hiện, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý 41 vụ việc sai phạm tập trung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; giữ gìn đoàn kết nội bộ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ và giải quyết công việc được giao.

Mặt trận tỉnh Bắc Kạn trong thời gian từ năm 2017 đến 2019, Ban Thanh tra nhân dân tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã giám sát, thanh tra được 2.021 cuộc và đã phát hiện 315 vụ việc vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tiêu biểu như các Ban Thanh tra nhân dân trên địa bàn huyện Ba Bể giám sát 842 cuộc, phát hiện 265 vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý 15 vụ việc, được xem xét, giải quyết 15 vụ việc; các Ban Thanh tra nhân dân trên địa bàn huyện Chợ Mới giám sát 332 cuộc, phát hiện 5 vụ việc vi phạm đã kiến nghị và được xem xét, giải quyết... Qua thanh tra, đã góp phần hạn chế được các sai phạm trong quá trình triển khai thi công các công trình, dự án, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, các nhà thầu, đơn vị thi công cũng ý thức rõ hơn về trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiến độ thi công các công trình, dự án tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác giám sát của Mặt trận đối với hoạt động chính quyền cấp xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Không ít Mặt trận cấp xã thiếu chủ động trong xây dựng chương trình kế hoạch giám sát, nên việc giám sát chưa sát thực tế, chưa tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân thường chạy theo sự vụ, sự việc, chủ yếu là tham gia cùng các ngành chức năng giải quyết những vụ tranh chấp, khiếu nại phát sinh ở cơ sở.

Hoạt động giám sát của Mặt trận cấp xã còn mang tính hình thức, chưa quan tâm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; chưa tạo điều kiện thuận lợi để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện công tác giám sát. Ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn không xử lý “đến nơi đến chốn” kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận tại xã, phường, thị trấn còn hạn chế cả về trình độ lẫn năng lực và kinh nghiệm.

Mặt trận cấp xã và các tổ chức thành viên trong cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương còn mờ nhạt, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi cho người khiếu nại, tố cáo còn hạn chế.

Giải pháp tăng cường công tác giám sát của Mặt trận đối với hoạt động chính quyền cấp xã

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp ủy và chính quyền về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong thời kỳ mới. Việc tôn trọng vị trí độc lập của Mặt trận cần thể hiện rõ qua phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận như thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, kiểm tra và bằng sự gương mẫu của mỗi đảng viên; thông qua cấp ủy tham gia Ủy ban Mặt trận. Đảng không quyết định thay cho Mặt trận, cũng như không can thiệp quá sâu vào hoạt động mang tính chuyên môn của Mặt trận, đảm bảo để Mặt trận chủ động trong xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát chính quyền, thay cơ chế “phụ thuộc” bằng cơ chế “tự chịu trách nhiệm”.

Thứ hai, chính quyền cấp xã cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn. Muốn hoạt động giám sát đi vào thực chất thì cán bộ Mặt trận cấp xã và cán bộ của các tổ chức thành viên phải nắm bắt đầy đủ thông tin từ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Mặc dù luật đã quy định những nội dung thuộc quyền công khai của chính quyền cấp xã, song trên thực tế, nhiều nội dung vẫn chưa được công khai như ngân sách nhà nước cấp, quy hoạch nhưng thiếu bản đồ chi tiết, mức chi các loại quỹ do Nhân dân đóng góp. Do vậy, cần công khai minh bạch hơn nữa thông tin hoạt động quản lý của Ủy ban nhân dân xã, nhất là công khai việc xử lý các trường hợp vi phạm đã được Mặt trận kiến nghị.

Thứ ba, làm rõ các nội dung và phạm vi giám sát của Mặt trận đối với chính quyền cấp xã. Hiện nay, phạm vi và nội dung giám sát của Mặt trận cấp xã vẫn còn chung chung. Đặc thù của tổ chức Mặt trận là không có hội viên, do vậy cần cụ thể hóa phạm vi và nội dung giám sát của Mặt trận ở cấp xã hơn nữa, chẳng hạn, đối với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chỉ nên giám sát đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương có giá trị tối đa là 5 tỷ đồng hoặc hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân nên tập trung vào các nội dung liên quan đến các vấn đề dân sinh như ăn, ở, đi lại và các dịch vụ thiết yếu. Mỗi năm cần xác định từ 1 đến 3 chủ đề để tập trung giám sát hiệu quả.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật đảm bảo cơ chế pháp lý về giám sát của Mặt trận đối với chính quyền cấp xã theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo nhằm bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có thực quyền trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Nên quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo với các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở cụ thể hóa đến quyền và trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như người đại diện các tổ chức chính trị - xã hội khi tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phan Đình Cương - Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/giam-sat-cua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-doi-voi-hoat-dong-chinh-quyen-cap-xa-vung-dan-toc-thieu-so-54200.html