Giám sát của Quốc hội thực sự trở thành công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước ở tầm vĩ mô

Tại Hội thảo 'Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội – Lý luận và thực tiễn' do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức, tiến hành giám sát của Quốc hội để giám sát thực sự trở thành công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước ở tầm vĩ mô.

Giám sát thi hành pháp luật có nhiều đổi mới

Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật của Chính phủ là sự kiểm soát của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân đối với Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Trang

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Trang

Theo đó, Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ thông qua các hoạt động xem xét báo cáo công tác của Chính phủ; xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ có dấu hiệu không đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; xem xét việc trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ; xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với thành viên Chính phủ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...

Đánh giá tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội thời gian qua đã có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả tích cực. Việc xem xét các báo cáo công tác của Chính phủ được thực hiện bài bản, truyền thanh và truyền hình trực tiếp, ngày càng công khai, minh bạch…

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa, hoạt động giám sát luôn được Quốc hội quan tâm, đổi mới và ngày càng phát huy, nâng cao hiệu quả trên thực tiễn, mang lại hiệu quả rất thiết thực. Tuy vậy, vẫn còn những nội dung cần nghiên cứu và thảo luận để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Quốc hội đang tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Một số đại biểu cũng chỉ rõ, cơ sở pháp lý và hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn có những hạn chế nhất định. Cụ thể, quy định pháp luật về một số hình thức giám sát chưa bảo đảm tính thống nhất, còn chồng chéo; một số hình thức giám sát chưa có quy trình, thủ tục đầy đủ để thực hiện, chưa có quy định rõ ràng để xử lý trách nhiệm của người chịu sự giám sát, chủ yếu dừng ở việc kiến nghị…

Đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Đình Quyền kiến nghị, cần đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức giám sát của Quốc hội để giám sát thực sự trở thành công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước ở tầm vĩ mô.

Ngoài ra, có ý kiến đề xuất, cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn đối tượng, phạm vi, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội và gắn kết quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội với hoạt động lập pháp để kịp thời có những kiến nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng cường giải trình tại các cơ quan của Quốc hội

Liên quan đến trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội, TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Thanh tra Chính phủ nhận định, Chính phủ ngày càng thực hiện tốt hơn trách nhiệm giải trình của mình thể hiện ở việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời các nội dung theo yêu cầu của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội kể cả trong thời gian diễn ra Kỳ họp; báo cáo cụ thể các nội dung giám sát theo yêu cầu của các Đoàn giám sát, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ và các thành viên Chính phủ cũng đã giải trình cụ thể, trực diện đối với vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra trong các phiên chất vấn, kịp thời có giải pháp, phương án để khắc phục những yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, một số báo cáo của Chính phủ khi trình tại các kỳ họp Quốc hội còn chung chung; hoạt động trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trong nhiều trường hợp còn hạn chế; việc thực hiện các nghị quyết sau giám sát, các giải pháp đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn có trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu do chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, chưa có biện pháp và chế tài xử lý phù hợp...

Các đại biểu tại hội thảo đều nhất trí cho rằng, cần tăng cường hơn nữa hoạt động giải trình tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Chính phủ, các thành viên Chính phủ cần nâng cao trách nhiệm giải trình trước Quốc hội. Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội.

Kết luận hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa ghi nhận những ý kiến phân tích, đánh giá của các đại biểu đã giúp làm rõ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn liên quan đến việc Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ, trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội. Nhấn mạnh kết quả của hội thảo sẽ được nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, các kiến nghị, góp ý sẽ là cơ sở, nguồn thông tin khoa học quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội đối với Chính phủ trong thời gian tới.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/giam-sat-cua-quoc-hoi-thuc-su-tro-thanh-cong-cu-kiem-soat-quyen-luc-nha-nuoc-o-tam-vi-mo-i346811/