Giám sát để chặn lạm thu

Năm học mới 2023-2024 vừa khai giảng ít ngày, nhưng nhiều phụ huynh tại TPHCM đã lại bức xúc với việc một số trường lạm thu. Mà cũng không chỉ trong nhà trường, nạn lạm thu cũng xảy ra ở một số lĩnh vực khác.

Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM có nhiều sai phạm liên quan đến thu chi.

Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM có nhiều sai phạm liên quan đến thu chi.

Lạm thu trong nhà trường phổ thông

Từ thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023 khi năm học mới còn chưa khai giảng, một số cơ sở giáo dục, trường học đã rậm rịch tăng các khoản thu.

Trường THPT Linh Trung (TP Thủ Đức) thông báo, học sinh khối lớp 10 năm học 2023-2024 phải đóng khoản thu 4.390.000 đồng, bao gồm nhiều khoản như đồng phục thường ngày, đồng phục học thể dục, ghế ngồi sinh hoạt ngoài sân, tiền cơ sở vật chất, chi phí nghỉ trưa máy lạnh....

Tương tự, Trường THPT Marie Curie (quận 3) cũng sốt sắng yêu cầu học sinh lớp 10 khi nộp hồ sơ nhập học, phải đóng các khoản phí ấn chỉ, ấn phẩm học vụ, sổ liên lạc điện tử, các bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… với tổng các khoản phí nhiều triệu đồng. Đặc biệt, trường này còn thu các khoản thu theo thỏa thuận, thu hộ, chi hộ về đồng phục, đầu tư máy lạnh cho 3 năm với mức phí tính theo từng học sinh.

Sau khi sự việc được phản ánh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đã vào cuộc xác minh, xử lý. Điều đáng nói, các trường kể trên đều đưa ra các mức thu khi UBND TPHCM chưa chính thức công bố các khoản thu của năm học 2013-2024 và Sở GDĐT cũng chưa ban hành quy định hướng dẫn thu chi đầu năm học mới. Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, yêu cầu trường nào đã thu phải hoàn trả lại những phụ huynh học sinh đã đóng. Sở đã chỉ đạo yêu cầu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục phải được thực hiện theo Nghị quyết của HĐND TP.

Tuy nhiên, chỉ đạo này của Sở GDĐT TPHCM không mới, bởi trước đó tại kỳ họp vào giữa tháng 7, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024.

Thanh tra phát hiện “loạn” thu

Không chỉ riêng ngành GDĐT, thực trạng “loạn” thu chi tại nhiều sở ngành, cơ quan, đơn vị của TPHCM cũng đã được Thanh tra thành phố vào cuộc rà soát, xử lý nghiêm, nhiều trường hợp đã bị khởi tố do để xảy ra thất thoát, lãng phí. Đơn cử, vào tháng 5/2023 Thanh tra TP đã thông báo kết luận nhiều sai phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 9 (quận 9 cũ, nay thuộc TP Thủ Đức). Cụ thể, công ty này đã điều chỉnh chi phí dở dang của các công trình phát sinh từ các năm trước sang chi phí bất thường nhưng không đánh giá nguyên nhân công trình không tiếp tục thực hiện. Ở nhiều dự án mình quản lý, công ty đã quản lý, thu hộ nhà ở cũ, nhà kinh doanh nhưng không thực hiện lập dự toán, quyết toán đối với nguồn thu này, không báo cáo Sở Xây dựng TPHCM và cũng không hạch toán riêng các chi phí liên quan đến hoạt động này.

Cùng thời gian, Thanh tra TPHCM cũng phát hiện việc tổ chức các lớp dạy nghề cho người thất nghiệp và công tác quản lý, sử dụng tài chính của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐTBXH) cũng tồn tại nhiều sai phạm, lãng phí. Điều đáng nói, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã không gửi Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2019, năm 2020 cho Sở LĐTBXH TP là không đúng theo quy định. Ngoài ra, qua thanh tra còn phát hiện tại Trung tâm này đã chi một số nội dung cho các đơn vị, cá nhân không phải là cán bộ, nhân viên, người lao động từ Quỹ phúc lợi trong năm 2019, năm 2020 với tổng số tiền hơn 115 triệu đồng chưa phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm.

Từ việc “loạn” thu chi này, Thanh tra TPHCM xác định trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, giám đốc các trường, trung tâm và các cá nhân khác có liên quan theo từng thời kỳ. Đồng thời, chuyển hồ sơ, tài liệu sai phạm trong việc tổ chức các lớp dạy nghề đến cơ quan điều tra.

Giám sát từ gốc

Trong số các sở ngành, cơ quan đơn vị của TPHCM, Sở GDĐT và Sở LĐTBXH được coi là “sốt sắng” nhất trong việc đề ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm thu.

Trả lời báo chí tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TPHCM chiều 7/9, đại diện Sở GDĐT TPHCM cho biết, sẽ nhanh chóng ra văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung thu, mức thu, hình thức thu phí dịch vụ của ngành giáo dục và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục, trường học. Trước mắt, sẽ phối hợp soạn thảo hướng dẫn Nghị quyết 04/2023 của HĐND thành phố, quy định chi tiết từng khoản thu dự kiến triển khai trong năm học 2023-2024.

Trong khi đó, đại diện Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, dạy và học nghề thì Sở sẽ phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tất cả các mức thu (không bao gồm học phí) không được vượt mức thu tối đa theo quy định. Sau các “lùm xùm” về thu, chi các khoản phí, học phí đầu năm học mới, hiện nay UBND TPHCM cũng chỉ đạo tất cả các tên các khoản thu phải đảm bảo đúng tên của 26 nội dung khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) theo phân loại của Phụ lục định kèm Nghị quyết số 04/2023 của HĐND thành phố.

Để đảm bảo giám sát chặt chẽ, tránh lạm thu ngay từ đầu, nhiều ý kiến của cử tri, cơ sở giáo dục, trường học cũng yêu cầu có sự vào cuộc phối hợp từ các cơ quan giám sát như HĐND và MTTQ. Trước các bất cập liên quan đến các khoản thu năm học 2023-2024, HĐND TPHCM yêu cầu, tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục phải thống nhất với phụ huynh học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại Nghị quyết mới và đồng thời cũng không được cao hơn 15% so với năm học 2022-2023.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-de-chan-lam-thu-5727837.html