Giám sát để quyền Quốc hội trao được thực thi đúng và trúng
Nhiều quyền 'đặc biệt, đặc thù, đặc cách' được Quốc hội 'tạm trao' đang được triển khai mạnh mẽ, song thực tế cũng đòi hỏi cần đôn đốc, giám sát để các quyền này được sử dụng một cách trách nhiệm và hiệu quả nhất.
Giám sát là một trong những chức năng cơ bản và quan trọng của Quốc hội. Trong nhiều năm qua, hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới, tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng của đất nước, những bất cập, bức xúc của cuộc sống. Thông qua giám sát cũng đã tạo ra những sức ép, những áp lực nhất định đối với các cơ quan thực thi để có những giải pháp, biện pháp thực hiện tốt nhiệm vụ Nhà nước và cử tri giao phó.
Cũng qua giám sát, Quốc hội nắm bắt được đầy đủ hơn những thông tin, những vấn đề mà thực tế đang đặt ra, hiểu rõ hơn các vấn đề và phục vụ tốt hơn cho việc xem xét, quyết định các chính sách pháp luật. Chính vì vậy, ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải coi đổi mới giám sát tối cao của Quốc hội như là một khâu then chốt, trọng tâm để nâng cao hoạt chất lượng hoạt động của Quốc hội; phải lựa chọn trúng và đúng những vấn đề quan trọng của đất nước.
Và trong bối cảnh hiện nay, những quyền “đặc biệt, đặc thù, đặc cách” mà Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ Nhất đã trao, tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19 chính là vấn đề vấn đề thực tiễn đặt ra, có liên quan tới quốc kế, dân sinh.
Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, ngày 28/7/2021, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách. Điều đó thể hiện sự đồng hành với cơ quan chấp hành của Quốc hội, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhận được sự đánh giá cao của các cấp, ngành, cử tri cả nước và dư luận trong Liên minh nghị viện các nước ASEAN.
Ngay sau khi Nghị quyết số 30 được ban hành, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực vào cuộc để xử lý các yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch theo yêu cầu tại Nghị quyết này. Và chỉ 9 ngày sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp đột xuất, ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Cùng ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86 trên cơ sở được thực hiện 4 quy định khác luật, kịp thời triển khai các nhiệm vụ cấp bách, mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch Covid-19.
Qua một tháng triển khai thực hiện, có thể khẳng định những quyết sách đó đảm bảo nhanh, chính xác, có tính thực tiễn cao để cả nước cùng chung trong điều kiện cấp bách chống dịch. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường và thực tế thực hiện cũng đòi hỏi cần có sự đôn đốc, giám sát để các giải pháp trên thực sự trúng và đúng, kịp thời như yêu cầu – điều mà qua các cuộc kiểm tra của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy có lúc, có nơi còn lúc túng, thậm chí chưa nắm rõ và triển khai tốt nghị quyết, nhất là ở cấp cơ sở.
Tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 liên quan tới công tác phòng, chống Covid-19 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh rằng Quốc hội đã ủy quyền thì những nơi được trao quyền càng phải thấy trách nhiệm để sử dụng các quyền này một cách hiệu quả nhất.
Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu “làm việc không kể ngày đêm, là Tổ công tác 24/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập trung trí tuệ rộng rãi để tham mưu, góp ý các cơ chế, chính sách phù hợp để sớm kiểm soát dịch bệnh”.
Và một trong những nhiệm vụ quan trọng là Tổ công tác giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng với đó là nghiên cứu, tham gia ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về những giải pháp cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống Covid – 19, bảo đảm ra quyết định quyết đoán, quyết liệt, kịp thời, thận trọng, chắc chắn, đúng mục đích, đúng đối tượng, thiết thực, đúng quy định của pháp luật, tạo đồng thuận và hiệu quả toàn diện khi triển khai./.