Giám sát điều trị đến từng bệnh nhân

Trong những ngày qua, số ca mắc và tử vong do COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, ngày 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện trung ương và 10 địa phương phía Nam về công tác điều trị, giảm tử vong.

Điều trị bệnh nhân nặng tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Thái Hà

Nhiều nguyên nhân

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết cả nước có 101.405 ca theo dõi và điều trị tại nhà; hơn 99.000 ca điều trị tại các bệnh viện. Số ca nặng, nguy kịch cần thở ô xy là 4.056 ca (chiếm 4%) tổng số bệnh nhân đang điều trị; 1.014 ca thở máy. Hiện có 25.448 ca tử vong tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó, TPHCM cao nhất với 18.046 ca (71%).

Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh cho biết có 8 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên. Cụ thể, trong thời gian đầu của đợt dịch lần này, số ca mắc mới tăng nhanh, đột ngột gây quá tải hệ thống bệnh viện; trong khi đó, biến chủng Delta lây lan nhanh, tỉ lệ nhập viện, tăng nặng cao hơn biến chủng trước. Đối với việc quản lí F0 tại nhà, một số trường hợp tự phát hiện nhưng không báo cơ sở y tế hoặc báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời; phân loại nguy cơ chưa sát theo hướng dẫn.

Bên cạnh khó khăn về nhân lực, đặc biệt ở tầng 2, 3 do các lực lượng hỗ trợ các địa phương đã rút về, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết: “Một số địa phương điều phối chuyển viện, chuyển tầng còn lúng túng, không theo sát nguy cơ và gây quá tải hệ thống bệnh viện. Một số trường hợp sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế như dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm.

Bên cạnh đó, việc quản lí phân loại nguy cơ F0 tại cơ sở cách li tập trung còn chưa được phát hiện kịp thời, dẫn đến các ca chuyển nặng. Năng lực hồi sức ở các bệnh viện tuyến tỉnh còn hạn chế, cần thời gian để nâng cao năng lực, trong khi đó, còn bỏ sót xử trí bệnh nền; chưa chú trọng đúng mức chẩn đoán điều trị bội nhiễm (nhiễm nấm, vi khuẩn đa kháng)”.

“Bộ Y tế khẩn trương phân bổ thuốc điều trị, nhất là thuốc kháng virus cho các địa phương; hoàn thiện quy trình điều trị tại nhà, trong đó có cơ chế giám sát y tế đến từng bệnh nhân, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm. Dứt khoát không để bệnh nhân ở nhà mà không được thăm khám từ xa. Phải kết hợp với chăm sóc trên thực địa”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Tại cuộc họp, lãnh đạo các Sở Y tế nhận định, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn chủ yếu tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh lí nền (tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận, ung thư, tim mạch…) hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện; công tác phát hiện sớm và quản lí ca bệnh ngoài cộng đồng còn nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, chưa theo sát từng ca bệnh, phân nhóm nguy cơ hiệu quả, bảo đảm tiếp cận ô xy y tế…

Lực lượng y tế Hải Phòng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Lực lượng y tế Hải Phòng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp để giảm ca tử vong

Để khắc phục tình trạng nói trên đại diện Bộ Y tế đề xuất tiếp tục cập nhật hướng dẫn điều trị, nâng độ tuổi nguy cơ cao trên 50 tuổi (tỷ lệ tử vong 84%), điều chỉnh phân tầng hợp lí. Các sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lí F0 tại cộng đồng; tăng cường đội y tế lưu động; xây dựng cơ chế tài chính cho hoạt động theo dõi F0 tại cộng đồng. Cùng với đó, các bệnh viện thực hiện đánh giá, phân loại nguy cơ và theo dõi sát bệnh nhân ngay từ khi nhập viện; tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng cao; rà soát kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường, thông khí nhân tạo, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm tử vong.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho rằng, để giảm tỉ lệ tử vong cần tập trung tiêm vắc xin cho người cao tuổi; xây dựng mô hình điểm về y tế cộng đồng gồm tư vấn tâm lí, dinh dưỡng, tập luyện cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Với kinh nghiệm điều trị nhiều ca bệnh nặng, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư nhấn mạnh việc kiểm soát sớm người bệnh từ những tầng điều trị ban đầu có ý nghĩa quan trọng để xử trí sớm, giảm tử vong. Các địa phương cần thiết lập nhóm điều phối, nắm tình hình dịch, giường bệnh, nhân lực, vật tư y tế để khắc phục tình trạng thiếu hụt, quá tải cục bộ ở từng cơ sở y tế; bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhân viên y tế làm nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu ca bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca mắc, số ca tử vong sẽ tăng lên trong thời gian tới. Do đó, tư lệnh ngành đề nghị rà soát, đánh giá lại tất cả các công đoạn, trong đó, phải thực hiện ngay phân loại bệnh nhân giữa các tuyến, các tầng điều trị để có cách thức điều trị phù hợp; quản lí điều trị F0 tại nhà chắc chắn; tăng cường nhân lực điều trị COVID-19; rà soát năng lực hồi sức tích cực, đảm bảo hệ thống ô xy lỏng cao áp; theo dõi, giám sát, chăm sóc tốt cho các bệnh nhân.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương bảo đảm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế cũng như chế độ, chính sách. Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, bên cạnh thuốc điều trị, cần hết sức lưu ý đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng, động viên, chăm sóc về tinh thần. Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở, trung tâm điều trị đủ lớn, nhiều tầng trong tình huống ca bệnh tăng lên để khắc phục bất cập trong công tác chuyển tuyến giữa các bệnh viện khác nhau.

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: http://tienphong.vn/giam-sat-dieu-tri-den-tung-benh-nhan-post1397658.tpo