Giám sát hiệu quả FDI: Cần bộ tiêu chí thống nhất, toàn diện
Các tiêu chí báo cáo về FDI hiện nay chồng chéo lẫn nhau và phân tán theo yêu cầu khác nhau của từng bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, chưa có bộ tiêu chí đầy đủ đánh giá hiệu quả FDI một cách toàn diện và thống nhất ở các cấp, ngành và địa phương làm căn cứ cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng FDI.
Gần 40 năm qua, khu vực FDI đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 20% GDP, 70% kim ngạch xuất khẩu và 50% sản lượng công nghiệp hàng năm.
Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Dũng – Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), bên cạnh những thành tựu, việc thu hút FDI vẫn còn một số bất cập, như liên kết với khu vực trong nước chưa chặt chẽ, tỷ lệ vốn thực hiện thấp so với vốn đăng ký và tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường, chuyển giá ở một số doanh nghiệp.
Nhằm khắc phục các hạn chế này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, nhấn mạnh thu hút FDI có chọn lọc, tập trung vào các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, và bền vững về môi trường.
Tuy vậy, các tiêu chí báo cáo về FDI hiện nay phân tán theo yêu cầu khác nhau của từng bộ, ngành, từng địa phương, chồng chéo lẫn nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp FDI trong việc chuẩn bị báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan quản lý khác nhau. Đặc biệt, chưa có bộ tiêu chí đầy đủ đánh giá hiệu quả FDI một cách toàn diện và thống nhất ở các cấp, các ngành, các địa phương làm căn cứ cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trên phạm vi quốc gia cũng như trong từng địa phương.
Với mong muốn cung cấp công cụ phân tích, đánh giá chất lượng, hiệu quả dự án FDI trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm để nhận diện các bất cập, hạn chế của dòng vốn FDI vào địa phương, Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) ra mắt cuốn “Sổ tay hướng dẫn quản lý hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Sổ tay được chia thành 5 phần chính. Trong đó, phần 1 hướng dẫn thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư FDI. Ở phần 2, với nội dung giám sát và đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI, cuốn sách cung cấp bộ tiêu chí cụ thể để địa phương đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của các dự án FDI. Nội dung phần 3 tóm lược nội dung các FTA mà Việt Nam tham gia, phân tích cơ hội và thách thức từ các hiệp định này. Trong khi đó, phần 4 là danh sách các quốc gia có quan hệ đối tác đầu tư quan trọng với Việt Nam. Danh sách 100 công ty lớn nhất thế giới năm 2023 là nội dung chính của phần 5 ấn phẩm với những thông tin tham khảo hữu ích cho việc định hướng hợp tác đầu tư.
Cuốn sổ tay do ISC biên soạn với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT). Các tiêu chí ISC đưa ra trong cuốn sổ tay này có tính khả thi cao, dễ thực hiện, có thể định lượng để xếp hạng các địa phương khi đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó có chính sách, giải pháp xử lý kịp thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của từng địa phương và cả nước.