Giám sát hiệu quả, tích cực tham gia xây dựng chính quyền
Tại phiên làm việc thứ nhất của kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 3-7, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, đồng thời nêu lên những kiến nghị với HĐND và UBND thành phố. Qua đó cũng khẳng định sự giám sát hiệu quả, tích cực tham gia xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.
Giám sát hiệu quả, tích cực tham gia xây dựng chính quyền
Trình bày về nội dung này, đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội khẳng định cử tri và nhân dân Thủ đô đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền với các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm 2023 ở mức cao so với bình quân cả nước.
Tổng hợp công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2023, có thể thấy những con số ấn tượng, góp phần khẳng định sự giám sát hiệu quả, tích cực tham gia xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Đơn cử như việc Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã tổ chức 296 hội nghị phản biện xã hội, góp ý đối với các kế hoạch, nghị quyết… của Đảng và chính quyền có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân.
Cùng với đó, Ban Thường trực cấp huyện, cấp xã tổ chức 1.056 cuộc giám sát, thành lập 501 đoàn giám sát trực tiếp, phối hợp với HĐND, UBND tham gia giám sát 1.313 cuộc, tập trung vào việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền. Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát 2.466 cuộc, tập trung vào việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai tại xã, phường, thị trấn, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng...
Theo đồng chí Nguyễn Lan Hương, qua giám sát đã phát hiện, kiến nghị 296 vụ việc, được cơ quan có thẩm quyền giải quyết 278 vụ việc (đạt tỷ lệ 93,9%). Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 2.038 công trình, dự án, qua đó kịp thời kiến nghị 89 vụ việc, được cơ quan có thẩm quyền giải quyết 80 vụ việc (đạt tỷ lệ 89,8%).
Đáng chú ý, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo và chương trình an sinh xã hội cũng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục triển khai hiệu quả. Có tới 93.019 suất quà trị giá trên 44 tỷ đồng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố trao tặng tới các gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; tổ chức vận động ủng hộ Quỹ “Vì Biển, đảo Việt Nam" được 39,8 tỷ đồng, hỗ trợ Quân chủng Hải quân 50 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông B thuộc quần đảo Trường Sa…
Công tác tiếp công dân cũng có nhiều điểm nhấn với việc tiếp 3.358 lượt công dân, tiếp nhận trực tiếp 1.925 đơn, gồm 128 đơn khiếu nại; 170 đơn tố cáo; 1.627 đơn kiến nghị, phản ánh. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã chuyển 1.314 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (còn lại là các đơn trùng nội dung, đơn đã được các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời…).
Những kiến nghị thiết thực, bắt nguồn từ thực tiễn
Tại kỳ họp, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị HĐND, UBND và các cơ quan chức năng của thành phố nghiên cứu, giải quyết một số nội dung quan trọng, bao gồm:
Thứ nhất, đề nghị HĐND thành phố tiếp tục tăng cường công tác giám sát trong các lĩnh vực: Quy hoạch đô thị; giao thông; ô nhiễm môi trường; các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội cũng như công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ chung cư…
Thứ hai, đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm các lĩnh vực mũi nhọn, thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch, dịch vụ, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch Thủ đô. Thực hiện hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí đầu tư cho 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo, bảo tồn di tích; tăng cường an ninh, trật tự an toàn giao thông; trật tự xây dựng; công tác phòng chống cháy, nổ; ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, lừa đảo, cho vay nặng lãi.
Thứ ba, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai; rà soát quy hoạch, hoàn thành việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội đô. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp; tập trung thực hiện dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô theo kế hoạch, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng, làm tốt chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư…
Thứ tư, đề nghị UBND thành phố cương quyết đình chỉ, thu hồi dự án chậm triển khai; đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học theo quy hoạch...
Đáng chú ý, Ban Thường trực đề nghị UBND thành phố chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các nguồn thông tin trên mạng xã hội; làm tốt công tác thông tin, truyền thông chính thống trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với đó, đề nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm giải quyết hiệu quả hơn nữa các vụ việc tồn đọng kéo dài; tích cực giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, không để thành điểm nóng, góp phần ổn định tình hình, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội…