Giám sát nâng cao chất lượng hoạt động nữ công tại Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội

Sáng 15/11, đoàn giám sát Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát chuyên đề Nữ công đối với Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội và Công đoàn Công ty TNHH K+K Fashion.

Tại Công ty TNHH K+K Fashion, thông tin với đoàn giám sát, đại diện Công ty cho biết, 95% công nhân của công ty là lao động nữ. Đây là lực lượng sản xuất chủ lực, có tính chất quyết định đến kết quả sản xuất kinh doanh tại đơn vị, vì vậy công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân lao động được Công đoàn Công ty đặc biệt chú trọng.

Công đoàn Công ty đã chủ động tham mưu các ý kiến, đề xuất với lãnh đạo Công ty trong việc xây dựng, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến nữ công nhân lao động, đảm bảo điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe sinh sản và khám sức khỏe định kỳ cho nữ công nhân lao động, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Tổ chức các hoạt động chăm lo, các hoạt động phong trào đối với nữ công nhân lao động tại đơn vị như: phát động phong trào thi đua "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà", Lao động giỏi…

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại buổi làm việc.

Năm 2024, Công đoàn Công ty đã thực hiện tốt công tác tự tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với lao động nữ tại đơn vị và báo cáo việc thực hiện chính sách lao động nữ với Công đoàn cấp trên.

Công đoàn đã đề xuất đưa vào Thỏa ước lao động tập thể với nhiều chế độ phúc lợi cao hơn quy định của luật như: Thưởng năng suất, thưởng chuyên cần, hỗ trợ tiền gửi trẻ, ăn trưa, tổ chức cho công nhân lao động khám chuyên khoa sản cho nữ công nhân lao động…

Công đoàn Công ty kiến nghị cấp trên có chính sách ưu đãi thuế bởi công ty sử dụng hầu như là lao động nữ trong độ tuổi sinh sản; chính sách đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà trẻ, trường mầm non công lập với chi phí thấp.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội Hoàng Thị Thu Hồng cho biết, Công đoàn ngành hiện quản lý 63 công đoàn cơ sở với 12.994 đoàn viên nữa (chiếm tỷ lệ 86%).

Đại diện Công ty cho biết công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân lao động nữ được Công đoàn Công ty đặc biệt chú trọng.

Đại diện Công ty cho biết công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân lao động nữ được Công đoàn Công ty đặc biệt chú trọng.

Trong năm qua, hoạt động công tác nữ công của ngành nhìn chung ổn định, đời sống, việc làm, thu nhập của đa số nữ đoàn viên, công nhân lao động đảm bảo và ngày càng được nâng lên. Việc thực hiện các quy định, chế độ chính sách pháp luật đối với nữ công nhân lao động được thực hiện nghiêm túc có hiệu quả, thu được kết quả đáng khích lệ.

Đồng thời, việc thực hiện chế độ chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ công nhân lao động được quan tâm. Phong trào thi đua "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" đã thu hút đông đảo nữ công nhân lao động. Phương thức hoạt động nữ công được đổi mới khuyến khích nữ công nhân lao động phát huy tài năng, sáng tạo thực hiện tốt các phòng trào thi đua, các cuộc vận động hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Bên cạnh những kết quả đó, hoạt động nữ công vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể như phương thức vận động nữ công nhân lao động còn chậm đổi mới hoạt động, chưa tạo được sức hút mạnh mẽ. Các phong trào thi đua tại các đơn vị triển khai chưa liên tục, thường xuyên, chưa đồng đều ở các lĩnh vực, ở một vài nơi, việc triển khai còn mang tính hình thức, chưa có sức lôi cuốn;

Nội dung, tiêu chuẩn thi đua chưa được cụ thể hóa phù hợp với đặc thù ngành nghề, điều kiện việc làm của một số đơn vị; việc đăng ký thi đua, sơ kết, tổng kết, khen thưởng phong trào cũng còn những bất cập…

Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội Hoàng Thị Thu Hồng cho biết hoạt động nữ công tại Công đoàn ngành đạt được nhiều kết quả.

Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội Hoàng Thị Thu Hồng cho biết hoạt động nữ công tại Công đoàn ngành đạt được nhiều kết quả.

Ghi nhận kết quả thực hiện công tác nữ công của Công đoàn ngành Dệt - May nói chung và Công đoàn Công ty TNHH K+K Fashion nói riêng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị đơn vị phát huy những kết quả đã đạt được để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác nữ công.

Làm rõ những hạn chế trong hoạt động nữ công các đơn vị nêu, đoàn giám sát cũng đã phân tích, đánh giá và chỉ ra một số vấn đề mà Công ty TNHH K+K Fashion cần quan tâm hơn nữa để triển khai thực hiện tốt các hoạt động Công đoàn trong thời gian tới.

Trong đó có việc đề nghị lãnh đạo công ty tiếp tục nghiên cứu quy định, điểm mới của pháp luật Việt Nam để đảm bảo thực hiện chế độ tiền lương, thưởng, chế độ đối với doanh nghiệp có đông lao động nữ. Đồng thời quan tâm đến môi trường lao động, các nguy cơ về bệnh nghề nghiệp. Công đoàn Công ty tiếp tục rà soát và nâng cao hiệu quả về thu kinh phí công đoàn và cụ thể hơn những quy định trong Thỏa ước lao động tập thể.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy cũng đưa ra kiến nghị đối với Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội cần phát huy vai trò hơn nữa, hướng dẫn Công đoàn cơ sở tranh thủ sự ủng hộ của chủ doanh nghiệp hơn nữa cho hoạt động Công đoàn và Ban Nữ công quần chúng, tạo môi trường lao động hài hòa, để doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn cùng phát triển.

Đoàn giám sát thực hiện giám sát chuyên đề Nữ công đối với Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội và Công đoàn Công ty TNHH K+K Fashion.

Đoàn giám sát thực hiện giám sát chuyên đề Nữ công đối với Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội và Công đoàn Công ty TNHH K+K Fashion.

Tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ công nhân viên chức lao động. Quan tâm hơn nữa đến chính sách lao động nữ: nghỉ dưỡng sức sau sinh; thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ;

Hướng dẫn Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho nữ đoàn viên, công nhân lao động so với quy định của luật; đề xuất thêm nhiều chính sách liên quan đến lao động nữ.

Đặc biệt, Công đoàn ngành cần đổi mới phong trào thi đua, nghiên cứu kỹ các mô hình gắn với đặc thù ngành và đối với doanh nghiệp có đông lao động nữ. Ngoài ra phải đẩy mạnh hoạt động nữ công tại các Công đoàn cơ sở có quy mô nhỏ.

Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giam-sat-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-nu-cong-tai-cong-doan-nganh-det-may-ha-noi-180661.html