Giám sát phải đúng và trúng, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

Giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tại Hội nghị trực tuyến “Triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2022”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

Trong đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” và “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, các Đoàn giám sát đã tích cực nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo dưới sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội và Trưởng Đoàn giám sát.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một số điểm khác so với thông lệ trước đây, đó là: Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát ban hành không kèm theo kế hoạch mà đưa một số nội dung chính như: phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian xem xét báo cáo... vào Nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề; đồng thời, xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết để tạo sự chủ động cho Đoàn giám sát trước khi Trưởng Đoàn giám sát ký ban hành; Lần đầu tiên, các Đoàn giám sát có sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan như: Ban Tổ chức Trung ương, Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia là lãnh đạo các Bộ, ngành và đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở; Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức việc thực hiện giám sát và gửi báo cáo về Đoàn giám sát; Các Đoàn đại biểu Quốc hội phải tổ chức giám sát đối với cả 4 chuyên đề; đồng thời, huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Bên cạnh các hoạt động giám sát nêu trên, để hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Ban Chỉ đạo đã nghiên cứu chuẩn bị dự thảo Kế hoạch chi tiết và đề cương Đề án xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành; bảo đảm mục tiêu nghiên cứu, xây dựng Đề án đáp ứng yêu cầu khả thi, tính mới, chất lượng và tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Toàn cảnh Phiên họp.

Giám sát đúng và trúng, đi sâu vấn đề, làm rõ trách nhiệm

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Để thực hiện “Việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các cơ quan quan tâm một số vấn đề trong triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 như sau:

Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát; quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn; sử dụng thông tin từ cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra trong quá trình tiến hành giám sát. Nghị quyết về giám sát, chất vấn cần gọn, rõ, có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và giao nhiệm vụ cho các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát.

Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; tăng cường chỉ đạo các cơ quan trong phối hợp triển khai, điều hòa, phối hợp các hoạt động giám sát, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Ba là, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường giải trình về những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, đặc biệt là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và giải tỏa bức xúc trong xã hội; đồng thời, giúp giảm tải áp lực đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bốn là, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở trung ương và địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giam-sat-phai-dung-va-trung-quy-ro-trach-nhiem-cua-to-chuc-ca-nhan-post165158.html