Giám sát, phản biện xã hội là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay

Ngày 12/5, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội thảo 'Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội'.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại hội thảo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã dành sự quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Đặc biệt, Trung ương đã quan tâm ban hành cơ chế, bố trí cán bộ, kinh phí, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho công tác giám sát, phản biện xã hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Giai đoạn 2014-2020, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai 13 chương trình giám sát. Trong đó, nhiều nội dung giám sát có tác dụng tích cực thúc đẩy các chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống pháp luật.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát huy đa dạng các hình thức giám sát, giám sát theo chuyên đề, giám sát đột xuất, liên thông giữa 4 cấp. Qua đó, bước đầu phát huy được vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực, các tổ chức, hội đoàn, người dân (đối tượng chịu sự tác động của chính sách) tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Đó là: Việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng chủ yếu là lồng ghép; một số cấp ủy chưa quan tâm đến giám sát, kiểm tra việc thực hiện, đánh giá việc thực hiện hằng năm; còn có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về giám sát, phản biện xã hội của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, giám sát, phản biện xã hội là yêu cầu tất yếu khách quan dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, công tác giám sát, phản biện xã hội là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi; là phương thức để nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật.

Đồng chí Lê Tiến Châu cho biết, tất cả các ý kiến tham luận của các đại biểu sẽ được tập hợp thành bộ tài liệu kèm theo Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo Báo Hànôịmới

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giam-sat-phan-bien-xa-hoi-la-yeu-cau-tat-yeu-trong-giai-doan-hien-nay-650639.html