Giám sát quá trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và sử dụng đất để thực hiện dự án
Ngày 25.5, Tổ giám sát số 2, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Trần Thị Tuyết Hương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát quá trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định bảo đảm các chỉ tiêu sử dụng đất tại Nghị quyết của Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) của tỉnh Hưng Yên; việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất thực hiện dự án giai đoạn 2016 – 2021 tại Sở Công Thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
Toàn cảnh buổi giám sát tại Sở Công thương
Theo báo cáo của Sở Công Thương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 17.4.2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) tỉnh Hưng Yên (Nghị quyết số 27), Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3143/QĐ-UBND, ngày 28.12.2018 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hưng Yên đến năm 2020. Đồng thời, trên cơ sở đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh: Bổ sung mới 6 cụm công nghiệp vào quy hoạch; đưa ra khỏi quy hoạch 1 cụm công nghiệp… Đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh quy hoạch 39 cụm công nghiệp với diện tích trên 1.706 ha. Trong số 39 cụm công nghiệp đã được quy hoạch có 17 cụm công nghiệp được UBND tỉnh quyết định thành lập với tổng diện tích 838,19 ha.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất thực hiện dự án giai đoạn 2016 - 2021, đối với 17 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập, hiện nay, các chủ đầu tư đang triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng cụm công nghiệp; chưa có cụm công nghiệp hoàn thành thủ tục thu hồi đất và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Để bảo đảm thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác triển khai quy hoạch và thành lập, quản lý các cụm công nghiệp.
Đối với việc triển khai các dự án công trình năng lượng, trong giai đoạn 2016 – 2021, có 10 công trình điện 110kv, 220kv trên địa bàn tỉnh được thu hồi đất với tổng diện tích trên 162 nghìn m2.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, theo Nghị quyết số 27, diện tích đất khu công nghiệp được quy hoạch đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 4.882 ha. Đến hết năm 2021, tỉnh ta có 15 khu công nghiệp với diện tích 3.887,23 ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển khu công nghiệp Việt Nam. Trong đó, có 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và tiếp nhận các dự án đầu tư, 8 khu công nghiệp đang trong quá trình triển khai, chưa đi vào hoạt động. Trong các khu công nghiệp của tỉnh có 486 dự án còn hiệu lực…
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất thực hiện dự án giai đoạn 2016 – 2021, tính đến hết năm 2021, tổng diện tích các khu công nghiệp đã thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 1.538,75 ha, trong đó có trên 1.387 ha đã được giao, cho thuê đất và 151,58 ha đã chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, đang hoàn thiện hồ sơ để bàn giao đất.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn yêu cầu: Sở Công Thương làm rõ kết quả, tiến độ thực hiện các cụm công nghiệp; thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp; khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong quá trình thực hiện thủ tục thu hồi đất và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; giải pháp khắc phục... Đối với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng ở các khu công nghiệp…
Phát biểu kết luận buổi giám sát tại Sở Công Thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Tuyết Hương yêu cầu, Sở Công Thương, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh bổ sung các thông tin, số liệu hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của đoàn. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp… Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan để hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ và thủ tục bàn giao đất…
Trước đó, Tổ giám sát số 2, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế tại khu công nghiệp Minh Đức (thị xã Mỹ Hào).