Giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu nông sản

Mở rộng thị trường trong và ngoài nước gắn với phát triển nhãn hiệu, thương hiệu là giải pháp quan trọng nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Chính vì vậy, thời gian qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động giám sát việc thực hiện mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu nông sản thông qua công tác nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cũng như trực tiếp tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ NN và PTNT tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đã quyết nghị: Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, yêu cầu: Khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện để dự báo sát tình hình, thận trọng, kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội thị trường; củng cố các thị trường hiện có, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam; đổi mới, nâng cao hiệu quả việc tổ chức truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù, vượt trội của nông sản Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước…

Các đại biểu dự phiên chất vấn tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Ảnh: Khánh chi

Các đại biểu dự phiên chất vấn tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Ảnh: Khánh chi

Thực hiện vai trò giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 853 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, nhận thấy các báo cáo đã đánh giá tình hình triển khai thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ củng cố các thị trường hiện có, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam. Các báo cáo trên cũng đánh giá được tình hình triển khai thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và dự kiến hoàn thành lập hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý thương hiệu nông sản Việt Nam cũng như định hướng khung chính sách để đáp ứng yêu cầu quản lý nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực trong quý III-IV/2024.

Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực NN&PTNT, Bộ NN&PTNT sẽ có giải pháp gì để tham mưu với Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn và có chính sách mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam; hoàn thiện chính sách, pháp luật để phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, sở hữu độc quyền nhãn hiệu nông sản chủ lực của Việt Nam?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Hùng Thắng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để mở cửa tiêu thụ nông sản từ trong nước cho đến nước ngoài; đồng thời yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay. Nhấn mạnh các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương liên tục có những nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, vấn đề chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn. Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ nếu hàng hóa của chúng ta không bảo đảm được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta. Đặc biệt, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tình trạng manh mún của nền nông nghiệp.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nam tại Triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam năm 2023. Ảnh: Chu Uyên

Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nam tại Triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam năm 2023. Ảnh: Chu Uyên

Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ NN&PTNT có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt. Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ. Đến nay, cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP, nếu thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, đồng thời tạo ra sinh kế, việc làm cho bà con nông dân.

Đối với vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, Bộ trưởng cho biết: Bộ NN&PTNT cũng đang nghiên cứu sâu về vấn đề này vì nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định. Cụ thể, chưa có nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ để ban hành nghị quyết về thương hiệu. Bên cạnh đó, vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu. Trong đó nhãn hiệu xây dựng và bảo hộ dễ hơn, nhưng thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, tiêu chuẩn, độ đồng đều đối với một sản phẩm nào đó. Do đó, Bộ NN&PTNT đang cùng với Bộ Công thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản. Muốn vậy phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Có thể thấy, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam về việc thực hiện chính sách hỗ trợ, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan có vai trò quan trọng giúp cho việc chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền tốt hơn, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình hoạt động và ban hành các nghị quyết, kế hoạch thực hiện… Đồng thời góp phần phổ biến, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nông dân, doanh nghiệp trong việc tích cực sản xuất, nâng cao chất lượng, uy tín cho thương hiệu nông sản địa phương.

Nguyễn Khánh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/giam-sat-thuc-hien-chinh-sach-ho-tro-mo-rong-thi-truong-phat-trien-thuong-hieu-nong-san-135131.html