Giám sát tốt - chìa khóa của thành công
Trong những tháng qua, trên khắp mọi miền đất nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã và đang tích cực, chủ động chuẩn bị các công việc cho Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ÐBQH) khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (23-5-2021).
Trong những tháng qua, trên khắp mọi miền đất nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã và đang tích cực, chủ động chuẩn bị các công việc cho Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ÐBQH) khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (23-5-2021).
Ðến nay, công tác chuẩn bị đã và đang hoàn thành bảo đảm triển khai thực hiện đúng tiến độ, thời gian đề ra, đúng quy định của pháp luật về bầu cử. Ðây là sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương. Góp phần vào thành công chung bước đầu quan trọng này không thể không nhắc đến vai trò của hoạt động kiểm tra, giám sát.
Ðể bảo đảm việc chuẩn bị bầu cử tại các địa phương tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành kế hoạch về việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Theo đó, các đợt giám sát tập trung từ tháng 3 đến trước ngày diễn ra bầu cử. Nội dung giám sát tập trung vào quá trình chuẩn bị, tiến trình bầu cử để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm. Ðến thời điểm này, Ủy ban TVQH và Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức nhiều đoàn giám sát tại 40 địa phương và đã tiến hành đợt ba với mục tiêu giám sát đủ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và hoàn thành trước ngày 20-5. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã sớm ban hành Hướng dẫn về công tác giám sát bầu cử, gồm tám nội dung, trọng tâm là giám sát hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử; giám sát việc giới thiệu người ứng cử ÐBQH, đại biểu HÐND và thủ tục, hồ sơ ứng cử; giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; giám sát việc lập danh sách cử tri và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri; giám sát việc tiếp xúc giữa cử tri và người ứng cử vận động bầu cử; giám sát việc vận động bầu cử bằng phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền về bầu cử; giám sát trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử… Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp các cơ quan, đơn vị giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ và đúng pháp luật... Tại các tỉnh, thành phố, Ủy ban Bầu cử và MTTQ các cấp cũng thành lập các đoàn giám sát và đã tích cực thực hiện nhiệm vụ của mình tại các quận, huyện, thị xã.
Triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, với mục đích nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương. Qua đó phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử để hướng dẫn, hoặc đề xuất các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là Ngày hội của toàn dân. Các đoàn giám sát đã nghiêm túc làm việc tại cơ sở, cùng địa phương nhìn nhận thẳng thắn những bất cập và khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo, nắm bắt sâu sát để có biện pháp giải quyết kịp thời. Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra là chỉ có bám sát thực tế, hiểu sâu thực trạng mới góp phần hạn chế những bất cập trong quá trình chuẩn bị bầu cử. Cần tập trung giải quyết sớm các vướng mắc ở cơ sở ngay sau khi phát hiện, không để quá hạn, quá thời điểm, đặc biệt là những nội dung liên quan việc điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HÐND. Bên cạnh đó, là việc kịp thời hướng dẫn các địa phương rà soát danh sách cử tri do diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19 và việc thông báo các quy định về đi bầu cử theo khung giờ, bảo đảm giãn cách, không tập trung đông người… Các đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban TVQH, Hội đồng Bầu cử quốc gia, MTTQ các cấp đã phát huy vai trò, thể hiện rõ trách nhiệm, kịp thời cùng các địa phương giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình chuẩn bị bầu cử với rất nhiều công việc cụ thể.
Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác giám sát ngày càng có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội bởi giám sát tốt là chìa khóa thành công của nhiều công việc, nhất là trong hệ thống chính quyền. Ðối với hoạt động của Quốc hội, không chỉ đối với những hoạt động hướng tới Ngày bầu cử 23-5 mà ngay từ đầu nhiệm kỳ XIV, những chuyên đề giám sát về vệ sinh, an toàn thực phẩm, về đất đai, đất đô thị, về phòng cháy, chữa cháy, về phòng, chống xâm hại trẻ em và các chuyên đề giám sát khác... được triển khai đã có những tác động tích cực. Có thể nói, những vấn đề được giám sát nêu trên đều nóng, bức xúc mà cử tri rất mong QH xem xét, qua đó phân tích, nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, bất cập để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hoạt động giám sát sẽ phát huy hiệu quả rõ và ngay nếu các cơ quan chức năng lựa chọn chuyên đề giám sát phù hợp, xuất phát từ thực tế cuộc sống. Quan trọng hơn, từ kết quả giám sát, kịp thời kiến nghị, đề xuất những biện pháp quyết liệt hơn nữa, tạo thêm bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời qua đó khẳng định chất lượng, hiệu quả trong nhiều mặt hoạt động, công tác…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/giam-sat-tot-chia-khoa-cua-thanh-cong-647002/