Giám sát trực tiếp tại 12 địa phương về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội

Mục đích giám sát nhằm đánh giá khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản từ năm 2015 đến hết năm 2023; chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Giám sát trực tiếp tại 12 địa phương về quản lý thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: Khánh Huy

Giám sát trực tiếp tại 12 địa phương về quản lý thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: Khánh Huy

Chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2024

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát vừa ký ban hành kế hoạch chi tiết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đây là một trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2024.

Kế hoạch nêu rõ, mục đích giám sát nhằm đánh giá khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện: Chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản từ năm 2015 đến hết năm 2023; Chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Trong mỗi nội dung trên đánh giá, làm rõ: Tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khả thi của việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với từng nội dung giám sát. Thực trạng, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với từng nội dung giám sát.

Xác định kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế; nguyên nhân (chủ quan, khách quan); chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp xử lý những tồn tại, hạn chế. Kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Về nội dung giám sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản từ năm 2015 đến hết năm 2023 tập trung vào các nội dung như: công tác chỉ đạo, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, điều tiết thị trường bất động sản; nguồn cung bất động sản; giao dịch bất động sản; tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; công tác quy hoạch; việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản…

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Đoàn giám sát tập trung vào các văn bản của Đảng đã ban hành và việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, tập trung vào chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.

Cùng với đó giám sát về quản lý, vận hành; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiểm toán, xử lý vi phạm; việc thực hiện các kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Hoạt động giám sát cũng làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan của kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, trong đó làm rõ nguyên nhân do cơ chế, chính sách hay do tổ chức thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu đối với nội dung đó.

Giám sát tại 12 địa phương về thị trường bất động sản

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát dự kiến tổ chức giám sát trực tiếp tại 12 địa phương. Sau khi giám sát các báo cáo, làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề; tổ chức làm việc, lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2024.

Sau đó, Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề; hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, gửi các đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ thực hiện giám sát trực tiếp tại 12 địa phương, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên về phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội.

Phú An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giam-sat-truc-tiep-tai-12-dia-phuong-ve-quan-ly-thi-truong-bat-dong-san-va-nha-o-xa-hoi-359794.html