Giám sát và phản biện xã hội - những vấn đề từ thực tế: Đối diện những vấn đề nóng
Giám sát và phản biện xã hội (GSPBXH) của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là những hoạt động rất quan trọng trong thực tế đời sống xã hội của đất nước ta trong những năm qua. Đây là nội dung công việc được Đảng rất coi trọng, là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. GSPBXH phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp thực tế… Các địa phương trong cả nước đã có nhiều nỗ lực để thực hiện có hiệu quả những công việc này. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đang đặt ra cần được quan tâm, giải quyết để GSPBXH ngày càng phát huy hiệu quả thực chất.
Nhiều cách làm hay trong triển khai GSPBXH hướng tới những nội dung quan trọng đã được MTTQ, các đoàn thể từ T.Ư tới địa phương triển khai trong thời gian qua và đem đến những hiệu quả thực tế. Qua đó cho thấy rõ hơn, sâu sắc hơn tầm quan trọng của GSPBXH trong cuộc sống hiện nay của người dân cũng như trong hoạt động điều hành của các cấp chính quyền.
Giám sát những vấn đề từ cuộc sống
Hoạt động giám sát trong thời gian qua được MTTQ, các đoàn thể triển khai rộng khắp từ cấp T.Ư đến các địa phương. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã chủ trì tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể tại hai tỉnh Phú Thọ, Cà Mau và TP Hồ Chí Minh (gồm ba UBND cấp tỉnh; sáu đơn vị sở, ngành; tám UBND cấp huyện). Đây là một vấn đề nóng ở rất nhiều địa phương, được dư luận xã hội quan tâm. Thậm chí, tại một số nơi, tình trạng khiếu kiện kéo dài, phức tạp không được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội và niềm tin của người dân.
Từ thực tế giám sát mà UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai cho thấy, tồn tại bất cập nêu trên là do việc thực hiện quy định của Luật Tiếp công dân của Chủ tịch UBND và thủ trưởng đơn vị còn ở mức độ nhất định; công tác xử lý đơn thư ở một số đơn vị, cơ sở chưa chính xác, còn nhầm lẫn giữa nội dung khiếu nại với kiến nghị, phản ánh... Chính vì vậy, các đoàn giám sát đã xem quá trình, nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với một số vụ việc liên quan thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hồ Hàm Kỳ, thuộc xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và việc cưỡng chế thu hồi đất tại Cà Mau; về khiếu nại của công dân liên quan quy định và chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh và về khiếu nại liên quan đến nhà đất tại TP Hồ Chí Minh…
Không dừng lại ở việc giám sát và gửi các kiến nghị tới các cơ quan chức năng, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo của công dân; giám sát việc ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đất đai, nhà ở, chung cư, xây dựng, quy hoạch, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, xây dựng khu dân cư và các dự án lớn ở đô thị; thực hiện pháp luật về nhà ở; các lĩnh vực đang phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp rà soát đề xuất biện pháp khắc phục những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo đông người, nhất là những nội dung liên quan đến quản lý đất ở, đất rừng; các dự án tái định cư, cơ chế quản lý chung cư cao tầng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc nghiêm túc thực hiện việc chuẩn bị, chuyển báo cáo và hồ sơ đầy đủ, đúng thời hạn phục vụ công tác giám sát của MTTQ Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật…
Ngay sau khi nhận được các kiến nghị của Ban Thường trực, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 9025/VPCP-QHĐP ngày 29-10-2020 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, trả lời, xử lý các kiến nghị của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 24-11-2020, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 5632/BXD-QLN trả lời Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về kiến nghị liên quan như: Rà soát đề xuất biện pháp khắc phục những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo liên quan đến cơ chế quản lý chung cư cao tầng.
T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại TP Cần Thơ và tỉnh Thanh Hóa. Qua giám sát cho thấy, nhận thức của một bộ phận người dân về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa được nâng cao, dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích và vi phạm pháp luật vẫn xảy ra; các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em chưa được đầu tư xây dựng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn... Sau giám sát, T.Ư Đoàn đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nhiều nội dung, trong đó đề nghị Quốc hội có ý kiến để Viện KSND tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ cụ thể thực hiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và các quy định của pháp luật liên quan trong việc xử lý nguồn tin về tội phạm, thu thập chứng cứ, về trưng cầu giám định, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và kiểm sát việc phát hiện, xử lý các tội phạm về xâm hại trẻ em; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em; phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về bảo vệ trẻ em…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trì tổ chức giám sát việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu và an toàn, vệ sinh lao động tại Thái Bình và Bạc Liêu. Qua giám sát cho thấy, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành chưa chặt chẽ, thường xuyên, chưa thật sự đồng bộ; công tác thu gom, xử lý rác thải khu vực ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ quy trình, biện pháp an toàn lao động tại nơi làm việc. Sau giám sát, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét sửa đổi quy định về bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho người lao động và ban hành thông tư mới về danh mục công việc, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho phù hợp; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng mô hình thu gom rác từ nhà dân đến các cấp chính quyền xã, huyện, thị xã, thành phố và bố trí nơi tập kết rác đúng quy định, có nhà máy phân loại rác, xử lý công nghệ bảo đảm cho môi trường sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh khu dân cư.
Góp phần hoàn thiện các văn bản pháp luật
PBXH là một hoạt động quan trọng được MTTQ các cấp triển khai có nhiều nét mới trong thời gian qua. Tại cấp T.Ư, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã chủ trì tổ chức PBXH đối với dự thảo Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015. Hội nghị này do Ban Thường trực tổ chức có sự tham dự của đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập đến từ Bộ Tư pháp; lãnh đạo cơ quan ban hành văn bản đến giải trình, tiếp thu các ý kiến…
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, trong thực tiễn thực hiện các quy định của Luật Ban hành VBQPPL, có những nội dung quy định liên quan sự phân công, phối hợp trong hoạt động lập pháp; quy định về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác góp ý, PBXH và xây dựng các VBQPPL chưa đầy đủ, còn chung chung, chưa đủ cụ thể để thực hiện, quy định chưa thống nhất với các quy định của các luật liên quan hoặc thiếu biện pháp bảo đảm thực hiện. Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chỉ rõ, Hiến pháp năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ PBXH của MTTQ Việt Nam, quy định này cũng đã được cụ thể hóa thành một chương riêng trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015. Tuy nhiên, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 lại không có bất cứ quy định nào về thẩm quyền và trách nhiệm PBXH của MTTQ Việt Nam. Hạn chế này trên thực tế cũng ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện chức năng PBXH đối với các dự án VBQPPL của MTTQ Việt Nam trong những năm qua.
Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm sự tham gia của nhân dân và MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng VBQPPL. Có đại biểu cho biết: Đây là yêu cầu cấp thiết và cần thiết, nhất là trong quá trình hiện nay mặc dù đã qua các khâu thẩm định, thẩm tra nhưng còn có chính sách, pháp luật được xây dựng, ban hành vẫn tồn tại dấu hiệu lợi ích nhóm, lợi ích ngành. Việc quy định trong Luật Ban hành VBQPPL quy trình thủ tục PBXH của MTTQ Việt Nam phải là một trình tự bắt buộc như hoạt động thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, một yêu cầu tất yếu khách quan để thực hiện chức năng của MTTQ Việt Nam do hiến định, bảo đảm tính khách quan, khả thi, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tránh lợi ích nhóm.
Kết quả, nhiều nội dung PBXH của MTTQ Việt Nam đã được cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL là Bộ Tư pháp tiếp thu. Theo đó, ngày 18-6-2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL (số 63/2020/QH14) trong đó đã có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung; là cơ sở pháp lý quan trọng để MTTQ Việt Nam tiến hành PBXH, nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng VBQPPL.
Đối với cấp tỉnh, Tuyên Quang là một trong những địa phương tổ chức được nhiều hoạt động PBXH. Cuối tháng 12 vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Sơn Dương tổ chức Hội nghị PBXH đối với các dự thảo Nghị quyết của HĐND huyện về phê duyệt dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp huyện, cấp xã năm 2021; Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 5 năm 2021 - 2025; Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2021. Sau khi nghe cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày tóm tắt nội dung các nghị quyết, các đại biểu đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập gây lo lắng, bất an trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua của tỉnh. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng chú trọng tính thực chất, tính hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các trang trại, gia trại, quyết liệt hơn trong quản lý nhà nước về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trong thực hiện quy ước, hương ước ở khu dân cư cũng như công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm…
Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị PBXH đối với dự thảo Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025”. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề bất cập trong đề án, như: Không nên đưa vào đề án mức giá dịch vụ của các địa phương khác mà chỉ coi là tài liệu tham khảo, việc thu phí phải phù hợp mức sống, điều kiện của người dân; việc xây dựng đề án chưa đưa ra những căn cứ cụ thể, nhất là việc thực hiện các quy định của pháp luật, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh; việc dự báo tình hình, số liệu về khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần linh động, không nên đưa ra một con số cứng vì không phù hợp thực tế… Từ những nội dung nêu trên, MTTQ tỉnh đề xuất bổ sung 14 nhóm việc trong phần nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án. Trong phần tổ chức thực hiện, các đại biểu cũng nêu rõ một số điểm bất hợp lý, chưa phù hợp thực tiễn chức năng, nhiệm vụ của một số sở, ngành, như: Sở Xây dựng, Sở Tài chính và MTTQ tỉnh… Trên cơ sở nêu trên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang Đỗ Minh Tân đã ký văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc PBXH đối với dự thảo đề án, trong đó nêu rõ: “Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị Sở nghiên cứu, tiếp thu và có ý kiến phản hồi gửi về MTTQ tỉnh”.