Giám sát việc phát triển nhà kính, nhà lưới tác động đến môi trường, cảnh quan đô thị thành phố

Chiều ngày 22/10, tiếp tục chương trình giám sát, đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đã có buổi làm việc với UBND thành phố Đà Lạt về nội dung tác động của nhà kính, nhà lưới đến môi trường, cảnh quan. Chương trình làm việc dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng Lê Thị Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Trình. Cùng tham dự có đại diện các đoàn thể xã hội là thành viên đoàn giám sát và đại diện HĐND, Ủy ban MTTQ thành phố và các phòng, ban của thành phố Đà Lạt.

Đoàn giám sát làm việc với thành phố Đà Lạt về việc phát triển nhà kính, nhà lưới tác động đến môi trường, cảnh quan

Đoàn giám sát làm việc với thành phố Đà Lạt về việc phát triển nhà kính, nhà lưới tác động đến môi trường, cảnh quan

Đây là nội dung rất quan trọng và được dư luận, người dân quan tâm nhằm phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể. Chương trình hoạt động giám sát được thực hiện tại huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt. Hoạt động giám sát nhằm lắng nghe, thu thập, nắm bắt, tổng hợp các mặt ưu điểm, những kết quả tích cực và những hạn chế, tồn tại. Từ đó, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tăng cường biện pháp quản lý, kiểm soát giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc phát triển nhà kính, nhà lưới đến môi trường, cảnh quan.

Theo Đoàn giám sát thông tin: Từ ngày 15/7 đến 15/8/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Lạt tổ chức lấy phiếu khảo sát trên địa bàn thành phố Đà Lạt với số lượng 1.000 phiếu gửi đến các hộ sản xuất nông nghiệp có xây dựng nhà lưới, nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trên 80% ý kiến (892 ý kiến) được hỏi không biết công trình nhà lưới, nhà kính của mình phù hợp với quy hoạch của địa phương hay không; đa số các hộ khi xây dựng nhà lưới, nhà kính không xin phép cơ quan nhà nước. Trên 90% ý kiến (991) không biết văn bản nào của Nhà nước quy định về xây dựng nhà lưới, nhà kính trên địa bàn. Một số hộ, doanh nghiệp có thực hiện biện pháp giảm thiểu tác động do xây dựng nhà lưới, nhà kính đối với môi trường như: Trồng thêm cây xanh; xây dựng hệ thống thu gom, tận dụng nước mưa; chừa một phần diện tích canh tác… Xung quanh các cơ sở sản xuất nông nghiệp hầu như không có cây xanh.

Về hiệu quả kinh tế từ phát triển nông nghiệp nhà kính, nhà lưới thì đã cho kết quả rõ rệt: Đại đa số ý kiến được khảo sát đều cho rằng việc xây dựng phát triển nhà lưới, nhà kính có tác động tích cực đó là: Tăng năng suất, tăng thu nhập, tăng hệ số sử dụng đất, giảm áp lực thiếu lao động…

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy khoảng 40% ý kiến cho rằng việc xây dựng phát triển nhà lưới, nhà kính có tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường như: Hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ nóng lên; gây lũ lụt, ngập úng cục bộ; phá vỡ quy hoạch vốn có; xuất hiện việc san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép trên đất lâm nghiệp; khả năng thoát nước, thẩm thấu nước; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới nguồn nước, đất, không khí…đây là vấn đề rất đáng bàn, nêu lên và có giải pháp chiến lược nhằm khắc phục từng bước những tác động tiêu cực lâu dài về sau.

Sự phát triển ồ ạt của nhà kính, nhà lưới thiếu quản lý, kiểm soát sẽ dẫn đến hệ lụy về tác động môi trường, cảnh quan

Sự phát triển ồ ạt của nhà kính, nhà lưới thiếu quản lý, kiểm soát sẽ dẫn đến hệ lụy về tác động môi trường, cảnh quan

Các đại biểu tham dự đã cùng nhìn nhận những ưu điểm và hạn chế, tồn tại của việc phát triển nhà kính, nhà lưới hay nói khác đi là phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao nhằm hướng đến phát triển tỉnh, thành phố Đà Lạt ngày càng toàn diện, bền vững và hiện đại.

Đoàn cũng ghi nhận những khó khăn hiện nay như: chưa có quy định về quản lý xây dựng nhà kính, nhà lưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như quy định mật độ, quy cách xây dựng… Do đó, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý khó khăn trong công tác quản lý dẫn đến diện tích nhà kính phát triển còn tự phát, không hài hòa với cảnh quan, môi trường. Trong quá trình thiết kế, thi công nhà kính, nhà lưới, phần lớn người dân không thực hiện theo khoảng lùi, làm sát các kênh mương thoát nước, không trồng cây xanh vành đai ở khu vực nhà kính. Hầu hết nhà kính chưa có hệ thống ao, hồ thu nước, mương thoát nước riêng; với những công trình gần đường giao thông người dân cho xả nước chung với công trình thoát nước công cộng; nhiều diện tích làm nhà kính, nhà lưới trên nền đất san gạt có độ dốc trên 20 độ; một số công trình nhà kính còn vi phạm hành lang giao thông, hành lang bảo vệ an toàn hồ đập thủy lợi.

Các ý kiến giải trình của các phòng ban và UBND thành phố Đà Lạt đã được đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp, báo cáo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng và cấp có thẩm quyền có hướng giải quyết nhằm hướng đến bảo đảm phát triển bền vững, giữ gìn môi trường cảnh quan.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202010/doan-giam-sat-uy-ban-mttq-viet-nam-tinh-lam-dong-va-cac-doan-the-chinh-tri-xa-hoi-cua-tinh-lam-viec-voi-thanh-pho-da-lat-giam-sat-viec-phat-trien-nha-kinh-nha-luoi-tac-dong-den-moi-truong-canh-quan-do-3027202/