Giám sát việc quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa
Nhằm đánh giá thực tế việc quản lý, bảo tồn, tu bổ, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, ngày 25-7, đoàn giám sát của Ban văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh Bình Phước có buổi giám sát thực tế tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Lộc Ninh.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài Hà Anh Dũng làm trưởng đoàn giám sát. Cùng tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương.
Hiện trên địa bàn huyện Lộc Ninh có 24 di tích lịch sử - văn hóa từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia đặc biệt và di tích thuộc danh mục kiểm kê chưa được xếp hạng. Trong đó có 18 di tích lịch sử - văn hóa do huyện quản lý.
Đoàn đã giám sát các điểm di tích lịch sử - văn hóa gồm: Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98; Bệnh viện Lộc Ninh - công trình kiến trúc cổ thời Pháp thuộc; Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Địa điểm chiến thắng Dốc 31.
Qua giám sát thực tế, các thành viên đoàn cho rằng, hiện phần lớn các di tích được quản lý tốt, phát huy được giá trị, ý nghĩa về mặt lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một số di tích bị xuống cấp, chưa được đầu tư, tu bổ tương xứng.
Tại buổi giám sát, huyện Lộc Ninh đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để huyện thuận lợi hơn trong công tác bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Đồng thời tăng cường tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cũng như có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, viên chức phụ trách công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn huyện.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Hà Anh Dũng nhấn mạnh: Lộc Ninh là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng với rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Đây là niềm tự hào của người dân Lộc Ninh và tỉnh Bình Phước. Vì vậy, huyện cần có giải pháp cụ thể trong quản lý, bảo tồn, tu bổ để các di tích này trường tồn mãi với thời gian và sống mãi trong lòng người dân. Thông qua giám sát thực tế, những ý kiến đóng góp của thành viên cũng như các đề xuất, kiến nghị của địa phương sẽ là cơ sở để đoàn có tham mưu xác đáng đến cấp trên về việc quản lý, bảo tồn, tu bổ, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa hiệu quả hơn trong thời gian tới.