Giám sát việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn
PTĐT - Ngày 15/9, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát tình hình và kết quả thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB,CC,VC,NLĐ) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Tân Sơn.
Thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010; Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 01/12/2019 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, UBND huyện Tân Sơn đã triển khai thực hiện chi trả chế độ chính sách cho CB,CC,VC,NLĐ công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và đúng quy định. Từ năm 2016 đến hết năm 2019 trên địa bàn huyện đã có 1.060 lượt đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút với kinh phí thực hiện 18.484 triệu đồng; 5.881 lượt đối tượng được hưởng phụ cấp lâu năm với kinh phí thực hiện 60.634 triệu đồng; 303 đối tượng được hưởng trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng với kinh phí thực hiện hơn 4 tỷ đồng; 76 đối tượng được hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu theo Nghị định số 116...
Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo các xã Tân Sơn, Đồng Sơn, Trường Tiểu học xã Tân Sơn và lãnh đạo huyện đã báo cáo những bất cập, hạn chế, khó khăn trong thực hiện chính sách. Trong đó: Việc trợ cấp lần đầu chưa phát huy được tính kịp thời do quy định phải chờ đủ 3 năm công tác đối với nữ và 5 năm công tác đối với nam mới được hưởng; việc thanh toán tiền tầu xe chưa được thực hiện do hướng dẫn theo Nghị định 116 chưa cụ thể… Chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn giúp cho cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thu hẹp khoảng cách chất lượng nguồn nhân lực các vùng miền. Tuy nhiên, huyện mới chỉ cân đối và thanh toán hỗ trợ được một phần học phí cho các đối tượng đi học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, còn lại kinh phí hỗ trợ tiền mua tài liệu và tiền đi lại từ nơi đang công tác đến nơi học tập trong quá trình học tập chưa có kinh phí để thực hiện...
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, địa phương và các ý kiến của cán bộ, giáo viên được thụ hưởng chính sách, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền – Trưởng đoàn giám sát khẳng định: Chính sách đối với CB,CC,VC,NLĐ công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được huyện quan tâm chỉ đạo, phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống. Trong điều kiện nguồn kinh phí còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí chi cho thực hiện chính sách này trên địa bàn huyện Tân Sơn là trên 92 tỷ đồng, không chỉ giúp hỗ trợ thêm nguồn thu nhập mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho CB,CC,VC, NLĐ sớm ổn định cuộc sống; thu hút được nguồn nhân lực trẻ, khuyến khích nguồn nhân lực có chất lượng cao về công tác tại các thôn, bản, địa bàn vùng sâu, vùng xa; tri ân, hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ kinh phí khi người lao động đã hoàn thành nhiệm vụ công tác, cống hiến cho địa phương… Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 01/12/2019 thay thế Nghị định 116, trong đó bổ sung thêm các nhóm đối tượng và tích hợp thêm một số chính sách khác thiết thực, ý nghĩa hơn. Huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp cho các đối tượng hiểu đúng, đủ, rõ về chính sách để triển khai thực hiện, đặc biệt là các chính sách thay đổi, mới tích hợp theo Nghị định 76. Tiếp tục rà soát, phân định đối tượng, đề xuất thực hiện các chính sách còn lại phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế tại địa phương, cơ sở…