GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY: LÀM RÕ GIẢI PHÁP '4 TẠI CHỖ' CỦA TỪNG BỘ NGÀNH
Tại Phiên họp giữa Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của các Bộ bám sát đề cương hướng dẫn của Đoàn, bám sát Chỉ thị 47-CT/TW, Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên đề nghị cần làm rõ, bổ sung số liệu cụ thể, nhấn mạnh hơn về giải pháp '4 tại chỗ', gắn với chức năng quản lý của từng Bộ phụ trách liên quan đến PCCC.
Đánh giá cao Báo cáo của các Bộ bám sát đề cương hướng dẫn của Đoàn giám sát
Sáng 14/6, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội "Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022" đã làm việc với 3 Bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tại phiên họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và truyền thông báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH trong giai đoạn 2020-2022.
Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của 3 Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông) liên quan đến tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cơ bản các Báo cáo này đã bám sát đề cương hướng dẫn của Đoàn giám sát.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát chuyên đề cho biết, Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông đã bám sát đề cương hướng dẫn của Đoàn giám sát, bám sát Chỉ thị 47-CT/TW, Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, Quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập một số nhiệm vụ của các bộ ngành rất rõ ràng (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo) liên quan đến công tác PCCC trong giai đoạn 2020-2022.
Nhìn chung, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Minh Đức nhận thấy, các báo cáo đều đề cập đến vướng mắc của các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình liên quan đến PCCC. Trong phạm vi nội bộ của các Bộ đều không xảy ra vụ cháy nào.
Đáng lưu ý, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông rất chi tiết, dày dặn, bám sát Chỉ thị 47-CT/TW, Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định trong Luật Phòng cháy chữa cháy nói chung và nhiều văn bản khác. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định không xảy ra các sự cố cháy mặc dù có nhiều khó khăn như ý thức của một số bộ phận về PCCC chưa cao, trụ sở văn phòng của Bộ còn tản mạn, nhiều tòa nhà đã cũ và xuống cấp, không có kĩ năng tập huấn về PCCC thường xuyên… Đa số báo cáo của các Bộ đã chỉ rõ khó khăn về vấn đề kinh phí, vướng mắc về những vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến PCCC.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức nhận thấy, các Báo cáo nhìn chung chưa nhấn sâu, chi tiết về giải pháp “4 tại chỗ” trong khi đây là giải pháp phòng ngừa quan trọng trong công tác PCCC.
Làm rõ thêm các số liệu, giải pháp “4 tại chỗ”, gắn với chức năng quản lý của từng Bộ liên quan đến công tác PCCC
Góp ý vào Báo cáo của các Bộ ngành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh đánh giá cao Báo cáo của 3 Bộ đã gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ phụ trách liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các số liệu cụ thể, gắn với chức năng quản lý của ngành và đã triển khai các công việc cụ thể và có kinh phí cụ thể cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh nhận thấy, Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế chưa phản ánh được nhiệm vụ của ngành trong lĩnh vực Bộ quản lý liên quan đến công tác PCCC.
Trong Báo cáo của Đoàn giám sát đã phân nhiều nhiệm vụ chung cho các bộ ngành và phân từng nhiệm vụ riêng cho Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo (chỉ có Bộ Y tế không có nhiệm vụ riêng). Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho rằng, Báo cáo của các Bộ chưa thể hiện được nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ, các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến liên quan đến công tác PCCC. Bởi việc thực hiện “4 tại chỗ” và thực hiện PCCC tại cơ sở liên quan đến các đối tượng rất quan trọng như bệnh nhân, học sinh, sinh viên… đều cần được bảo vệ.
Đánh giá cao các số liệu mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập cũng như sự phối hợp tốt giữa Bộ và Bộ Công an trong việc nhắn tin cho người dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong đợt cao điểm về PCCC, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho rằng, trong 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội, hiện mới chỉ có hơn 526 nghìn chương trình phát thanh, hơn 587 nghìn chương trình truyền hình ở các địa phương, lượng tin bài về PCCC vẫn chưa đảm bảo sự thường xuyên, liên tục.
Hiện mới có gần 62 nghìn tin bài trên các phương tiện báo chí truyền thông, trong khi số lượng các cơ quan báo chí và Bộ đang quản lý rất lớn. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh đề nghị Bộ Thông tin truyền thông báo cáo thêm số liệu về số lượng tin bài chủ động phát trên các phương tiện truyền thông cho thấy giá trị tuyên truyền về công tác PCCC, đồng thời cần làm rõ thêm về việc lựa chọn khung giờ phát tin bài về PCCC. Qua đó cho thấy sự chủ động, có kế hoạch và chiến lược của Bộ Thông tin và Truyền thông để tuyên truyền sâu rộng về công tác PCCC.
Về vấn đề kinh phí chi cho PCCC, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh băn khoăn số liệu mà Bộ nêu ra là chi cho công tác PCCC hay chi cho đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông lảm rõ nội dung này.
Cùng quan điểm đánh giá cao Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tương đối rõ nét trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, tuy nhiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng, Bố cục của các báo cáo có phần chưa hợp lý, đề nghị nên chia thành 2 phần: Thứ nhất, Bộ là chủ thể tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC tại cơ sở do Bộ quản lý; Thứ hai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về PCCC trong quản lý nhà nước trong phạm vi của Bộ.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng, Báo cáo của các Bộ còn thiếu phần so sánh thực trạng về công tác PCCC của Bộ đến thời điểm Quốc hội giám sát tối cao (năm 2019) và sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội (giai đoạn 2020-2022) đến nay, đã có chuyển biến như thế nào; thiếu nhận định, đánh giá về khó khăn, thách thức trong công tác PCCC ở lĩnh vực Bộ phụ trách trong giai đoạn trước mắt cũng như trong tương lai, khả năng đáp ứng của Bộ trong công tác PCCC như thế nào…; còn nhầm lẫn giữa hạn chế và nguyên nhân; giải pháp còn chung chung... Do đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường đề nghị bổ sung đầy đủ các nội dung này.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Minh Đức đề nghị các Bộ bổ sung các nội dung còn thiếu vào Báo cáo, thực hiện nghiêm túc các quy định PCCC, bám sát đề cương hướng dẫn của Đoàn giám sát. Đồng thời đề nghị Báo cáo của các Bộ cần bổ sung thêm số liệu, phụ lục cho đầy đủ, đặc biệt bổ sung, làm rõ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến bộ ngành mình phụ trách trong công tác PCCC, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể cho những vướng mắc này.
Căn cứ vào Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội, Quyết định số 630 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 47-CT/TW, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Minh Đức đề nghị 3 Bộ ngành tiếp tục rà soát lại các nội dung gắn với nhiệm vụ, chức năng quản lý của mình để bổ sung, làm rõ thêm các nội dung còn thiếu và chưa rõ liên quan đến công tác PCCC./.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng, Báo cáo của các Bộ còn thiếu nhận định, đánh giá về khó khăn, thách thức trong công tác PCCC ở lĩnh vực Bộ phụ trách trong giai đoạn trước mắt cũng như trong tương lai, khả năng đáp ứng của Bộ trong công tác PCCC như thế nào…; còn nhầm lẫn giữa hạn chế và nguyên nhân; giải pháp còn chung chung... Do đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường đề nghị bổ sung đầy đủ các nội dung này.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77003