Giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường chưa thể làm 'hạ nhiệt' giá xăng
'Việc đề xuất giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường hay giảm tới 2.000 đồng cũng chỉ là 'muối bỏ bể', chưa đủ làm giải tỏa cơn khát hạ nhiệt giá xăng dầu', ông Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
Từ 15h chiều 21/6, giá xăng một lần nữa “lập đỉnh” mới sau khi liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh theo chu kỳ. Theo đó, giá 2 loại xăng E5 RON 92 và RON 95 tiếp tục tăng lần lượt lên 31.302 đồng/lít và 32.873 đồng/lít.
Thực tế, sau kỳ điều chỉnh lần này, giá bán lẻ nhiều mặt hàng xăng đã vượt 34.000 đồng/lít. Đơn cử, ở vùng II (địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu) xăng RON 95 lên mức 33.520 đồng/lít; xăng RON 95 V (xăng cao cấp) lên mức 34.130 đồng/lít; E5 RON 92 lên 31.920 đồng/lít...
Tiếp tục đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường
Trong hơn nửa đầu năm 2022, giá xăng trong nước tăng tổng cộng 13 lần và chỉ trong 2 tháng, mặt hàng này có tới 5 lần lập đỉnh liên tiếp. So với mức điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11/1, giá xăng hiện nay đã nâng thêm 37%.
Theo Nghị quyết 18, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 700-2.000 đồng/lít từ ngày 1/4. Tuy nhiên, trải qua 9 kỳ điều chỉnh sau khi áp dụng mức giảm thuế, giá xăng dầu trong nước vẫn liên tục tăng cao trước áp lực đà tăng của giá dầu thế giới.
Giá xăng dầu vẫn tăng mạnh dù đã được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường.
Hiện tại, trong công thức tính giá cơ sở, các loại thuế phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong việc cấu thành giá xăng. Cơ cấu giá xăng RON 95 phải “cõng” 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% theo giá bán và thuế bảo vệ môi trường giảm 50% còn 2.000 đồng/lít.
Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Như vậy, xăng RON 95 có giá bán lẻ trên thị trường tối đa 32.873 đồng/lít. Vậy tổng chi cho các khoản thuế, phí chiếm tới 35%, còn tính riêng tổng chi từ thuế thì chiếm hơn 30% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95.
Để hạ nhiệt giá xăng dầu, mới đây, tại Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 2.000 đồng/lít xuống còn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Dầu diesel được đề xuất giảm từ 1.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Mức thuế mới sẽ được áp dụng ngay từ 1/8 cho đến hết năm nay nếu được thông qua. Và đây là lần thứ hai Bộ Tài chính sử dụng thuế bảo vệ môi trường như một công cụ để kìm đà tăng giá.
Chỉ như "muối bỏ bể"
Cho ý kiến về đề xuất này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, với sức "nóng" của giá xăng dầu hiện nay, việc giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường như đề xuất nêu trên chưa thể kìm đà tăng của mặt hàng này.
"Giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, "van" quỹ bình ổn không thể giúp giá trong nước hạ nhiệt được, còn "van" thuế, chúng ta phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng dầu, không phải lần nào cũng chỉ tính đến thuế bảo vệ môi trường" - ông Ngô Trí Long nói và nhấn mạnh nếu chỉ giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường thì không có nhiều tác dụng.
Theo ông Long, người dân vẫn chưa "tâm phục khẩu phục" việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng dầu, bởi đây là mặt hàng thiết yếu, không phải hàng hóa xa xỉ. "Mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào hàng hóa xa xỉ như ôtô, máy bay, du thuyền... hoặc sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá... Trong khi xăng là mặt hàng thiết yếu, người giàu lẫn người nghèo đều phải dùng, sao lại có mức thuế suất đó?" - ông Ngô Trí Long đặt vấn đề và cho rằng đây là thời điểm phải đánh đổi, chấp nhận hụt thu ngân sách để kéo giảm giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, việc giá xăng dầu tăng cao và liên tục trong thời gian qua đang gây nên áp lực lạm phát lớn từ nay đến cuối năm.
"Việc đề xuất giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường hay giảm tới 2.000 đồng cũng chỉ là 'muối bỏ bể' tức không có nhiều tác dụng và chưa đủ làm giải tỏa cơn khát hạ nhiệt giá xăng dầu", ông nói.
Theo ông, việc giảm thuế xăng dầu là vấn đề cấp thiết, cần làm ngay để an lòng dân, trong đó, cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Bởi các loại thuế này là thuế tương đối, có thể linh hoạt điều chỉnh theo giá xăng dầu thế giới. Đặc biệt sẽ có tác dụng giảm nhiều hơn thay vì giảm thuế tuyệt đối là thuế bảo vệ môi trường.