Giảm thiệt hại đến 20 triệu đồng/ha khi trồng giống kháng bệnh khảm lá

Tỉnh Tây Ninh cùng các đơn vị chuyên ngành tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm, tìm ra những giống kháng bệnh khảm, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trở lại cho ngành sắn Việt Nam.

Đoàn làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiểm tra công tác phòng trị dịch khảm lá cây khoai mì tại xã Tân Hội, tỉnh Tây Ninh. Ảnh tư liệu: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Đoàn làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiểm tra công tác phòng trị dịch khảm lá cây khoai mì tại xã Tân Hội, tỉnh Tây Ninh. Ảnh tư liệu: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng sắn (khoai mì) lớn thứ hai cả nước sau tỉnh Gia Lai với trên 61.000 ha và năng suất bình quân đạt cao nhất cả nước, đạt 33,2 tấn/ha. Tuy nhiên, trước thực trạng bệnh khảm lá đã và đang gây thiệt hại tại 22 tỉnh, thành trên cả nước, Tây Ninh đã cùng các đơn vị chuyên ngành tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm, tìm ra những giống kháng bệnh khảm, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trở lại cho ngành sắn Việt Nam.

Giữ vững sự ổn định cho ngành sắn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây sắn hiện là một trong những cây nông nghiệp chủ lực quốc gia. Tuy nhiên, từ năm 2017, bệnh khảm lá ở Việt Nam được phát hiện lần đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh. Sau đó, bệnh khảm lá sắn lây lan đến 22 tỉnh, thành trên cả nước gây thiệt hại lớn cho ngành sắn cả nước. Theo đó, bệnh khảm lá sắn lây lan qua hom giống bị nhiễm bệnh và côn trùng môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng. Đặc biệt, bệnh không có thuốc trị, tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chế biến khoai mì tại các tỉnh, thành.

Trước thực trạng này, để giữ vững sự ổn định cho ngành sắn, từ năm 2019, tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc nghiên cứu khảo sát giống sắn kháng bệnh khảm lá, tăng năng suất và hàm lượng tinh bột. Sau nhiều năm triển khai, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức công bố lưu hành 6 giống sắn kháng bệnh khảm lá: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80 và HN97.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, các giống này hiện được trồng rộng rãi tại Tây Ninh và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ do thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên và phù hợp với điều kiện canh tác nên đạt năng suất và hàm lượng tinh bột cao.

Theo ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, tính đến nay, diện tích trồng giống kháng khảm lá của tỉnh là 4.524,5 ha; trong đó giống HN1 chủ yếu với trên 4.410 ha. Bên cạnh đó, hiện nay, người trồng sắn trên địa bàn tỉnh đã chủ động tìm mua các loại giống sắn không bị nhiễm bệnh ở các tỉnh vùng, địa phương lân cận để sản xuất, đồng thời cũng đã tăng cường nhân nhanh các giống sắn kháng/chống chịu với bệnh khảm lá. Nhờ đó, hiện nay diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá trong tỉnh đã giảm mạnh (giảm 7.453 ha so với năm 2019) và giảm mức độ gây hại, chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ và chưa phát sinh diện tích nhiễm nặng.

Tại Tây Ninh, nhờ những giống sắn kháng bệnh đưa vào lưu hành, nhiều người trồng sắn đã giữ vững diện tích vùng nguyên liệu, đáp ứng cơ bản đủ nhu cầu sản xuất tinh bột sắn trong tỉnh.

Canh tác sắn trên diện tích hơn 3 ha, ông Lý Văn Trí, ngụ xã An Bình, huyện Châu Thành cho biết, với những giống trước đây, do nhiễm bệnh khảm lá nên năng suất xuống thấp trong khi chi phí lại đội lên rất cao. “Nếu trồng những giống không kháng khảm lá, thu nhập nông dân sẽ thiệt hại từ 15 - 20 triệu đồng/ha so với các giống kháng bệnh khảm hiện nay”, ông Trí nói.

Trong khi đó, một trong những người trồng sắn quy mô lớn tại Tây Ninh, ông Bùi Công Ngọc, ngụ huyện Tân Châu nhận định: Điểm lợi lớn nhất của các giống kháng khảm lá trước hết là sức đề kháng của cây mạnh hơn, từ đó chống chịu được các loại bệnh khác tấn công. Nhờ đó, năng suất sắn cũng tăng cao hơn. Cũng như những nông dân chuyên trồng sắn của tỉnh Tây Ninh, ông Bùi Công Ngọc cũng mong muốn có thêm nhiều giống sắn kháng bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nghiên cứu giống mới

Dù ngành sắn đã vực dậy với những tín hiệu khả quan, nhưng các đơn vị nghiên cứu vẫn đang tiếp tục khảo sát, tạo ra những giống sắn mới có có gen kháng bệnh khảm lá sắn vượt trội hơn. Trong số đó, mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đã bước đầu chọn ra được giống sắn HLH20-0047 qua khảo nghiệm từ 10.000 hạt lai các giống sắn có gen kháng bệnh khảm lá sắn.

Theo bà Phạm Thị Nhạn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, qua bước đầu khảo sát, đây là loại giống được đánh giá ưu việt nhất từ trước đến nay. Theo đó, giống mới này không chỉ kháng được bệnh khảm lá mà còn có năng suất, chữ bột cao và đặc biệt kháng được các bệnh nguy hiểm khác như bệnh chổi rồng trên cây sắn.

Bà Phạm Thị Nhạn chia sẻ, từ năm 2020, đơn vị đã đưa 10.000 hạt lai các giống sắn triển vọng vào thực nghiệm. Mỗi năm có khoảng 3.000 - 5.000 dòng được trung tâm chọn để đánh giá. Qua đó, đơn vị đã chọn được 3 - 4 giống đáp ứng được các tiêu chí kháng bệnh và cho năng suất, hàm lượng tinh bột cao để đem ra trồng thực địa, tiếp tục đánh giá toàn diện. Trong số này, giống HLH20-0047 bước đầu cho thấy ưu điểm rất lớn.

Qua đánh giá bước đầu, trong điều kiện canh tác bình thường, giống HLH20-0047 có thể đạt năng suất từ 35 - 55 tấn/ha; hàm lượng tinh bột có thể đạt 28,4 - 30%. Đặc biệt, ngoài kháng 100% bệnh khảm lá, giống này còn có khả năng kháng bệnh chổi rồng và có thể canh tác được ở điều kiện thổ nhưỡng bất lợi như ở vùng bán ngập trong hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh”, bà Phạm Thị Nhạn cho biết.

Bà Phạm Thị Nhạn cũng nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng không nhỏ gây thoái hóa giống nói chung và giống sắn nói riêng. Do vậy, để có được một giống sắn mới ưu việt, việc nghiên cứu, khảo nghiệm phải qua rất nhiều bước và mất rất nhiều thời gian, trung bình phải mất ít nhất 3 - 5 năm mới chính thức chọn ra giống được công nhận. Với giống HLH20-0047 này, hiện trung tâm vẫn đang trồng thực địa để khảo sát. Sau khi đủ điều kiện, đơn vị sẽ hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và công bố lưu hành.

Giang Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giamthiet-hai-den-20-trieu-dongha-khi-trong-giong-khang-benh-kham-la-20240804141541974.htm