Giảm thiệt hại do úng ngập ở ngoại thành: Phòng ngừa là chính

Diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ... tiềm ẩn những nguy cơ thiệt hại do úng ngập gây ra ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ để hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, trong đó chủ động phòng ngừa vẫn là chính.

Kiểm tra thiết bị bơm nước sẵn sàng chống úng tại Trạm bơm Xuân Dương (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Thái Hiền

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Nam Phương Tiến là một trong 10 xã của huyện Chương Mỹ thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ rừng ngang. Hiện nay, nhân dân ở đây đang tập trung gieo cấy lúa mùa, dự kiến hoàn thành trước ngày 5-7. Ông Nguyễn Văn Thuận, ở xã Nam Phương Tiến cho biết: Hiện gia đình đã cấy xong 6 sào lúa nhưng rất lo lắng, bởi đồng đất ở xã Nam Phương Tiến những năm gần đây thường xuyên bị úng ngập. Toàn bộ diện tích gieo cấy của xã phụ thuộc vào Trạm bơm tiêu Nhân Lý nhưng cứ mưa to, hay lũ rừng ngang đổ về là trạm bơm này không thể vận hành.

Chung nỗi lo này, nhiều hộ chuyên nuôi trồng thủy sản ở các huyện vùng trũng thấp: Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên..., băn khoăn chưa biết có nên tiếp tục đầu tư sản xuất vụ cá mới hay “treo ao”. “Gia đình tôi có 3 sào ao nằm giáp hồ Quan Sơn. Năm 2018, mặc dù đã tôn cao bờ tới 80 phân nhưng vẫn bị lũ rừng ngang tràn vào làm mất gần 10 tấn cá”, ông Nguyễn Văn Thạo, xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) chia sẻ.

Trong khi thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan thì hệ thống công trình thủy lợi ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội đang bị xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 60% công trình thủy lợi xây dựng cách đây khoảng 30-40 năm đã bị xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu tiêu úng với lượng mưa lớn hơn 300mm/3 ngày. Tính riêng các huyện thường xuyên bị úng ngập trong mùa mưa bão, như: Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Đan Phượng, Hoài Đức... hiện có 23 công trình bị xuống cấp, cần thiết phải cải tạo nâng cấp.

Cụ thể, Trạm bơm Bến Đá (huyện Hoài Đức) được xây dựng từ năm 1987, có nhiệm vụ tiêu úng cho 216ha sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nhà trạm, động cơ xuống cấp không bảo đảm lưu lượng phục vụ. Trạm bơm Đốc Tín (huyện Mỹ Đức) được xây dựng từ năm 1984 có nhiệm vụ tiêu úng cho 366ha đất nông nghiệp nhưng hiện 2 mang cống xuất hiện mạch đùn xuống hạ lưu bể hút, nguy cơ rất cao xảy ra sự cố khi vận hành...

Ngoài ra, theo ông Chu Văn Tuấn, ý thức bảo vệ công trình thủy lợi của một số người dân trên địa bàn thành phố còn hạn chế cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho công tác phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành.

Chủ động phòng ngừa

Từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ xuất hiện nhiều trận mưa, với cường độ mạnh hơn... Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân khu vực ngoại thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi vẫn phải phòng ngừa là chính; chủ động bố trí kinh phí sửa chữa hư hỏng, bảo đảm 100% công trình thủy lợi vận hành an toàn, hiệu quả; nghiêm túc thực hiện lệnh điều tiết nước của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố khi xảy ra tình huống mưa lớn gây úng ngập...

Đẩy nhanh tiến độ thi công cống điều tiết Trạm bơm tiêu Phương Nhị ở xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai).

Chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống úng ngập vụ mùa năm 2019, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đang tích cực sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị ở các trạm bơm, nạo vét bể hút trạm bơm, khai thông các cửa lấy nước, kênh dẫn, kênh tiêu... Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường cho biết, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống úng ngập cho vụ mùa năm 2019 và triển khai đến các đơn vị, địa phương trong lưu vực. Công ty đã hoàn thành sửa chữa 145 công trình phục vụ tiêu úng; đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, xử lý những hành vi xâm hại công trình thủy lợi...

Đối với các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án phòng, chống úng ngập, với các tình huống lượng mưa xảy ra trên địa bàn ở mức 100mm, 200mm, 300mm; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống úng ngập theo phương châm “4 tại chỗ”. Ông Lê Hải Hồng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết: Huyện có hơn 800ha đất trũng thấp, phân bố ở các xã: Hợp Thanh, Hợp Tiến, An Tiến, Hồng Sơn, Tuy Lai... Do địa hình trũng thấp, chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang nên một số khu vực dễ bị ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn, lũ về.

Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, huyện đã phối hợp với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức xây dựng phương án ứng phó cụ thể cho từng vùng. Huyện cũng khuyến cáo nông dân ở các vùng trũng thấp gia cố bờ bao để tiện cho việc bơm tháo nước khi xảy ra tình huống mưa lớn gây ngập úng; tích trữ hạt giống để gieo cấy bổ sung hoặc chuyển sang trồng cây rau màu...

Theo ông Phạm Văn Khương, ngoài các giải pháp tổng thể về cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi, khơi thông dòng chảy, về lâu dài, các địa phương khu vực ngoại thành cần hỗ trợ, hướng dẫn người dân thay đổi tập quán canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, di dời người dân ra khỏi những nơi có nguy cơ úng ngập cao… Chỉ khi thực hiện các giải pháp căn cơ, đồng bộ mới có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, hạn chế tối đa các thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa lũ.

Bài, ảnh: Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/939175/giam-thiet-hai-do-ung-ngap-o-ngoai-thanh-phong-ngua-la-chinh