Giảm thiệt hại kinh tế nhờ giải pháp 'khám sức khỏe' tôm tại ao

Dịch bệnh trên tôm nước lợ gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân. Do đó, việc có một giải pháp xác định tình trạng 'sức khỏe' tôm nuôi đơn giản, nhanh với chi phí hợp lý để người nông dân chủ động ứng phó, giảm tổn thất kinh tế là điều cần thiết…

Thực hiện xét nghiệm “sức khỏe” tôm nuôi tại ao

Thực hiện xét nghiệm “sức khỏe” tôm nuôi tại ao

Ngành tôm giúp mang về cho Việt Nam 3,5-4 tỉ đô la Mỹ kim ngạch mỗi năm, đóng góp 40-45% tổng kim ngạch của ngành thủy sản, giúp giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động. Tuy nhiên, loại thủy sản chủ lực này đang chịu rất nhiều thách thức, nhất là dịch bệnh…

“Đau đầu” với dịch bệnh tôm

Báo cáo của Cục thủy sản cho thấy, diện tích sản xuất tôm nước lợ cả nước hiện đạt khoảng 737.000 héc ta, với sản lượng hàng năm đạt trên 1 triệu tấn. Trong đó, giai đoạn từ năm 2010 đến nay, bình quân diện tích sản xuất tăng khoảng 1,5%/năm và sản lượng tăng khoảng 7,4%/năm.

Theo Cục thủy sản, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi sản xuất tôm nước lợ lớn nhất cả nước khi chiếm 93% tổng diện tích cả nước (đạt khoảng 687.000 héc ta) và 86% sản lượng (đạt khoảng 874.000 tấn).

Việc phát triển sản xuất như trên đã có đóng góp rất lớn trong cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, góp phần mang về 3,38 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023 và dự kiến đạt trên 3,7 tỉ đô la Mỹ năm 2024.

Tuy nhiên, có một vấn đề khiến người nông dân phải “đau đầu”, đó là dịch bệnh xảy ra trên con tôm vẫn rất lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó gồm chất lượng con giống, môi trường nuôi xuống cấp, thay đổi thời tiết…

Liên quan vấn đề thiệt hại tôm nuôi, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại một hội nghị ngành tôm gần đây ở Cần Thơ đã đưa ra con số “báo động”, với tỷ lệ nuôi thành công của Việt Nam chỉ khoảng 30%.

Còn báo cáo của Cục thú y cho thấy, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong năm ngoái là trên 22.600 héc ta, bao gồm thiệt hại do môi trường, do dịch bệnh và thiệt hại không xác định được nguyên nhân…

Ông Đặng Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30-4 (tỉnh Bạc Liêu), người có 23 năm gắn bó với con tôm, thừa nhận trước đây nuôi tôm rất dễ thành công vì môi trường sạch, dịch bệnh ít. Tuy nhiên, theo ông, khi mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm phát triển, lượng chất thải đưa ra môi trường nhiều hơn nên dịch bệnh cũng tăng, tỷ lệ nuôi thành công giảm.

“Bây giờ nuôi thâm canh, siêu thâm canh, tức sử dụng nước nhiều, cho ăn nhiều, mật độ nuôi cao nên áp lực cho môi trường quá lớn” ông Ngọc cho biết và dẫn chứng, trước đây nếu một ngày cho tôm ăn 100 kg thức ăn, thì bây giờ tăng lên 1 tấn (1.000 kg), nhưng tôm chỉ hấp thu được một nửa, tức một nửa thải ra môi trường.

Hệ lụy dịch bệnh tôm tăng đó là người nuôi bị thiệt hại lớn, thậm chí chuyện thế chấp giấy tờ đất để vay ngân hàng hay bán luôn ruộng trả nợ đã không còn xa lạ với người nông dân.

Tôm nuôi được bảo vệ nhờ chủ động xét nghiệm xác định sức khỏe ngay tại ao nuôi

Tôm nuôi được bảo vệ nhờ chủ động xét nghiệm xác định sức khỏe ngay tại ao nuôi

Làm gì để giảm thiệt hại do dịch bệnh?

Vấn đề của người nuôi tôm nước lợ cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng, đó là gặp khó trong chủ động xác định tình trạng “sức khỏe” của tôm nuôi kịp thời để đưa ra hướng giải quyết “hợp lý nhất” nhằm giảm thiệt hại kinh tế ít nhất.

Được biết, người nông dân xác định “sức khỏe” tôm nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hoặc lấy mẫu đưa về các phòng thí nghiệm (Phòng LAB- Laboratory) để xác định. Tuy nhiên, nhược điểm khi dựa vào kinh nghiệm là mức độ chính xác thấp và không phải ai cũng có kinh nghiệm; trong khi đưa về phòng LAB, thì mất nhiều thời gian, di chuyển xa, không thuận tiện cho người nông dân…

Từ vấn đề nêu trên, Công ty Forte Biotech đã nghiên cứu, cung cấp bộ công cụ chẩn đoán nhanh với tên gọi RAPID, có thể giúp nông dân tự xét nghiệm và cho kết quả chính xác ba loại bệnh phổ biến trên tôm nước lợ, bao gồm bệnh đốm trắng; EHP (EHP là bệnh vi bào tử trùng do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei gây ra); bệnh EMS (Early Mortality Syndrome) hay còn gọi là hội chứng hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Syndrome- AHPNS).

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Đặng Quang Minh, Đồng sáng lập Forte Biotech cho biết, bộ công cụ nêu trên có hai thiết bị, gồm một máy tách chiết lấy ADN và một máy đọc kết quả. Ngoài ra, để xác định mẫu tôm có nhiễm ba loại bệnh nêu trên hay không, cần có thêm “ống mồi” có chứa ADN của một trong ba loại bệnh đó.

Vậy cách xác định ao tôm có bị dịch bệnh hay không được thực hiện ra sao?

Theo ông Minh, để xác định “sức khỏe” một ao tôm bất kỳ, bước đầu tiên là lấy mẫu (tôm giống lấy khoảng 20-30 con, tôm trưởng thành lấy 2-3 con, trong đó, tôm giống nghiền nguyên con; tôm trưởng thành thì lấy và nghiền phần gan) và đưa mẫu vào máy tách chiết để loại bỏ cặn bã, lấy ADN. Sau đó, đưa ADN đã được tách chiết vào “ống mồi” (trong ống mồi có chứa dãy ADN mang một trong ba loại bệnh nêu trên đối với mẫu đơn hoặc chứa ADN chứa cả ba loại bệnh nêu trên đối mẫu đa).

Nếu mẫu tôm nhiễm bệnh, thì hai ADN (ADN được tách chiết và ADN trong ống mồi) sẽ ghép vào với nhau, tức kết quả dương tính, ngược lại không có bệnh thì hai ADN không kết nối được với nhau, tức âm tính.

Tuy nhiên, kết quả phải thông qua máy đọc để xác định. “Máy đọc kết quả sẽ chiếu đèn led có bước sóng nhất định vào ống mồi có chứa hai ADN và nếu đèn led làm phát sáng, tức dương tính và ngược lại”, ông Minh cho biết và thông tin, quá trình lấy mẫu xét nghiệm đến khi ra kết quả mất khoảng 60 phút và người nông dân hoàn toàn có thể thực hiện được ngay tại ao.

Trường hợp xác định ao tôm nhiễm bệnh, người nuôi sẽ đưa ra quyết định xử lý phù hợp, ít thiệt hại nhất về kinh tế.

Là người đang sử dụng bộ sản phẩm RAPID, ông Nguyễn Thanh Hùng, ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TPHCM cho rằng, trường hợp ao mới nuôi, nông dân có thể tiêu hủy sớm để tránh thiệt hại lớn hơn về kinh tế hoặc thu hoạch sớm trước khi tôm chết đối với tôm trưởng thành để thu hồi vốn…

Một vấn đề nhận được sự quan tâm của người nuôi tôm, đó là chi phí để đầu tư bộ thiết bị RAPID như thế nào?

Ông Minh của Forte Biotech cho biết, bộ thiết bị nêu trên có giá 10 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức giá 20.000 đô la Mỹ của bộ thiết bị được sử dụng trong các phòng thí nghiệm như ở Trường Đại học Nông Lâm.

Ngoài 10 triệu đồng đầu tư thiết bị, nông dân muốn xét nghiệm phải mua thêm ống mồi với mức giá 170.000 đồng đối với mẫu đơn (xác định 1 trong 3 loại bệnh nêu trên tùy nhu cầu người sử dụng) hoặc 300.000 đồng với ống mồi xác định cùng lúc 3 loại bệnh.

Qua sử dụng thiết bị nêu trên, ông Hùng cho rằng, đây là một khoản chi phí khá hợp lý. Bởi lẽ, bỏ ra 300.000 đồng/lần xét nghiệm (đối với ống mồi xác định 3 loại bệnh cùng lúc), tương đương 3 triệu đồng/vụ nuôi (10 lần xét nghiệm), trong khi một ao nuôi có thể cho sản lượng 5 tấn, giá trị cả tỉ đồng. “Rõ ràng nó cũng không quá lớn, chấp nhận được”, ông nói.

Tuy nhiên, theo thừa nhận của ông Minh, hiện nay sản phẩm vẫn chưa thể thương mại mạnh, bởi đang trong quá trình chờ hoàn tất thủ tục nhập khẩu “ống mồi” từ Singapore. “Chúng tôi nộp giấy tờ lên Cục thú y từ tháng 12-2023 và đến giờ đã đi được nửa chặng đường rồi”, ông nói và thông tin, thiết bị sản xuất ở Việt Nam, nhưng ống mồi phải nhập từ Singapore.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giam-thiet-hai-kinh-te-nho-giai-phap-kham-suc-khoe-tom-tai-ao/