Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Đến thời điểm này, tỷ lệ giới tính khi sinh tại Đồng Nai là 107 bé trai/100 bé gái. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng và sự thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai, con gái.
Tuy nhiên, để duy trì tốt tỷ lệ này cần có sự chung tay, góp sức, thay đổi nhận thức của cả cộng đồng xã hội.
* Vẫn còn tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”
Chị P.T.D. (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) và chồng đều là viên chức nhà nước. Vợ chồng chị đã có 2 cô con gái 10 tuổi và 6 tuổi. Tuy nhiên, do chồng chị là con trai duy nhất trong gia đình có 3 anh em nên áp lực phải sinh cho bằng được con trai luôn khiến chị D. phải băn khoăn, suy nghĩ. Kết quả, chị D. có thai lần thứ 3 ở tuổi 40 và vừa sinh thêm... một cô con gái.
Chia sẻ về việc có tiếp tục sinh thêm con nữa hay không, chị D. tâm sự: “Mặc dù không ai nói ra nhưng khi tôi sinh con gái thứ 3, cha mẹ chồng không mấy vui vẻ. Vợ chồng tôi chưa có ý định sinh thêm con nữa nhưng cũng không chắc chắn sẽ dừng lại”.
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nguyễn Thị Kim Tuyến, trường hợp như gia đình chị D. không phải hiếm. Thực tế có những gia đình ở các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, thậm chí nhiều gia đình công chức, viên chức, là đảng viên vẫn còn nặng nề vấn đề sinh con trai để nối dõi tông đường nên chấp nhận kỷ luật để ”kiếm” cho bằng được con trai. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của y học cả về phương tiện kỹ thuật lẫn trình độ chuyên môn của nhân viên y tế là điều kiện để nhiều gia đình tìm cách lựa chọn giới tính thai nhi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhấn mạnh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang có xu hướng tăng và lan rộng ở cả nông thôn và thành thị, ở các vùng miền khác nhau. Khảo sát mới đây của cơ quan chức năng cho thấy tỷ số giới tính khi sinh bình quân của cả nước hiện ở mức rất cao, gần 115 bé trai/100 bé gái, vượt quá ngưỡng an toàn cho phép (từ 103-107 bé trai/100 bé gái). Cả nước có 55 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh ở mức 108 bé trai/100 bé gái.
* Những hệ lụy và giải pháp
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nguyễn Thị Kim Tuyến, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai. Cụ thể là tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ.
Như vậy, số nam giới “ế vợ” cũng sẽ tăng lên. Điều này vô hình chung sẽ gây sức ép lên các vấn đề xã hội như: các em gái buộc phải kết hôn sớm, gia tăng tệ nạn xã hội như: mại dâm, nạn buôn bán phụ nữ…
Để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong năm 2019, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng như Sở Lao động - thương binh và xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tổ chức các chương trình hội thảo, tuyên truyền về việc thực hiện bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho cán bộ, nhân viên, công nhân lao động... Ngoài ra, chi cục cũng phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh tổ chức nói chuyện, cung cấp kiến thức, kỹ năng về kế hoạch hóa gia đình, tình dục an toàn, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục...
“Dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”, đó là thông điệp mà chúng tôi muốn truyền tải trong các buổi tuyên truyền tới người dân ở các địa phương trong tỉnh, đồng thời đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho thấy hiện nay, phụ nữ đã có những vị thế nhất định trong xã hội và cần được bình đẳng, đối xử tốt. Kết quả, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong tỉnh đã giảm từ 110 bé trai/100 bé gái ở 6 tháng đầu năm xuống còn 107 bé trai/100 bé gái những tháng cuối năm” - bà Tuyến cho hay.
Được biết, từ năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc nghiêm cấm lạm dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính thai nhi. Từ năm 2011, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2012-2020”. Trong đó lưu ý mục tiêu giảm mạnh tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này trở lại mức bình thường 105-106 bé trai/100 bé gái chậm nhất vào năm 2025.
Mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ.