Giảm thiểu rác thải nhựa trong nông nghiệp thông qua sử dụng tri thức bản địa

Sáng nay, 24/3, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức Hội thảo: 'Giảm thải rác thải nhựa dựa vào tri thức bản địa'.

PanNature đề xuất sử dụng các bồ đan bằng tre, nứa để trữ thóc, lúa để giảm thiểu phát thải rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bích Ngọc

PanNature đề xuất sử dụng các bồ đan bằng tre, nứa để trữ thóc, lúa để giảm thiểu phát thải rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bích Ngọc

Hội thảo đã công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng phát thải rác thải nhựa trong nông nghiệp tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế sử dụng, tái chế, xử lý hoặc dùng vật liệu thay thế số rác thải nhựa này.

Huyện Vân Hồ nói chung và xã Xuân Nha nói riêng là khu vực có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Hiện nay nền nông nghiệp của khu vực đang được cơ giới hóa và sản xuất theo định hướng hàng hóa. Theo đó, rác thải nhựa trong nông nghiệp cũng gia tăng. Thực tế cho thấy, quy trình sản xuất mỗi loại cây trồng, vật nuôi đều phát sinh các loại rác thải nhựa khác nhau. Tuy nhiên, các loại rác thải này đều chưa được quan tâm xử lý một cách hợp lý.

Theo kết quả nghiên cứu của PanNature, xã Xuân Nha có hơn 2.000 ha diện tích gieo trồng nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của xã hàng năm phát thải khoảng 23.325kg rác thải nhựa. Loại rác thải chủ yếu là vỏ bao đựng nông sản, vỏ bao phân và nilon các loại.

Đối với các rác thải nhựa thông thường trong nông nghiệp, người dân thường gom lại và tự đốt tại vườn nhà. Ngoài ra thì các hộ cũng để chung cùng rác thải sinh hoạt gia đình để vứt tại bãi rác của bản và xã.

Hiện nay, trong toàn xã có 32 bể thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, mới chỉ đáp ứng được 4,43% nhu cầu bể theo diện tích canh tác của xã. Tỷ lệ thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật của các hộ sản xuất nông nghiệp là 55%, phần còn lại các hộ vẫn còn để ngoài đồng ruộng, trên nương hoặc đầu các nguồn nước canh tác.

Đề xuất các giải pháp giảm thiểu phát thải rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, nhóm nghiên cứu của PanNature cho rằng các hộ sản xuất cần: Hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa một lần trong nông nghiệp. Tái sử dụng các rác thải nhựa nếu có thể. Áp dụng các kỹ thuật thân thiện với môi trường vào trong sản xuất trong đó hướng mục tiêu sản xuất các sản phẩm hữu cơ. Thực hiện phân loại rác thải tại các hộ gia đình.

Túi nilon đựng hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật được vứt lại trên đồng ruộng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Bích Ngọc

Túi nilon đựng hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật được vứt lại trên đồng ruộng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Bích Ngọc

PanNatue cũng đề xuất các hộ sản xuất nên tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ, để giảm chi phí sản xuất đồng thời giảm phát thải bao bì đóng gói phân. Tự chế các sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học (như thuốc trừ sâu làm từ tỏi, ớt...) nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm nông nghiệp, đồng thời không phát thải ra các bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Sử dụng các vật liệu không phải nhựa, thân thiện với môi trường để thay thế như chuyển từ bảo quản bằng túi vải sang túi giấy...

Đồng thời áp dụng các biện pháp truyền thống trong sản xuất nông nghiệp như: Lót quả bằng rơm để tránh quả bị trầy xước, sử dụng các rọ tre để đựng và vận chuyển hoa quả, vây bảo vệ mạ cũng như rau màu bằng tấm phên tre nứa, trữ thóc lúa bằng các bồ thóc đan bằng tre, xua đuổi chuột cũng như chim bằng hình nộm rơm, làm bầu cho các cây nông nghiệp ngắn ngày bằng lá chuối...

Giải pháp cho các đơn vị thu mua, sơ chế sản phẩm là thay đổi các vật liệu bao quả chống trầy xước từ xốp sang dùng rơm hoặc giấy, thay các khay chứa vận chuyển hoa quả 1 lần bằng các sọt tre...

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và các cán bộ quản lý trực tiếp về rác thải nhựa trong nông nghiệp. Thực hiện phân loại các loại rác thải nhựa ngay từ nơi tập kết của xã; xây dựng thêm các bể chưa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật; đưa vấn đề giảm rác thải nhựa vào chỉ tiêu phát triển hàng năm của xã, huyện.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giam-thieu-rac-thai-nhua-trong-nong-nghiep-thong-qua-su-dung-tri-thuc-ban-dia-post459872.html