Giảm thiểu rủi ro bằng việc tham gia các gói bảo hiểm

Các sản phẩm bảo hiểm do các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra là biện pháp chuyển giao rủi ro được thực hiển thông qua hợp đồng bảo hiểm, trong đó bên mua bảo hiểm chấp nhận trả phí bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm cam kết bồi hoàn (với bảo hiểm phi nhân thọ) hoặc trả tiền bảo hiểm (với bảo hiểm nhân thọ) khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiện tại, có rất nhiều các loại hình bảo hiểm khác nhau, nhưng không phải ai cũng biết được tường tận. Sau đây là một số thông tin chung về sản phẩm bảo hiểm hiện nay trên thị trường.

Phân loại theo đối tượng bảo hiểm

Căn cứ vào đối tượng bảo hiểm thì toàn bộ các loại hình nghiệp vụ bảo hiểm được chia thành ba nhóm: bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người và bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

- Bảo hiểm tài sản: Loại bảo hiểm này lấy tài sản làm đối tượng bảo hiểm. Khi xảy ra rủi ro tổn thất về tài sản như mất mát, hủy hoại về vật chất, người bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm căn cứ vào giá trị thiệt hại thực tế và mức độ đảm bảo thuận tiện hợp đồng.

- Bảo hiểm con người: Đối tượng của các loại hình này chính là tính mạng, thân thể, sức khỏe của con người. Người ký kết hợp đồng bảo hiểm, nộp phí bảo hiểm để thực hiện mong muốn nếu như rủi ro xảy ra làm ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe của người được bảo hiểm thì họ hoặc một người thụ hưởng hợp pháp khác sẽ nhận được khoản tiền do người bảo hiểm trả. Bảo hiểm con người có thể là bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm tai nạn - bệnh tật.

- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: Đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm phát sinh do ràng buộc của các quy định trong luật dân sự, theo đó, người được bảo hiểm phải bồi thường bằng tiền cho người thứ 3 những thiệt hại gây ra do hành vi của mình hoặc do sự vận hành của tài sản thuộc sở hữu của chính mình. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự có thể là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc bảo hiểm trách nhiệm công cộng.

Phân loại theo phương thức quản lý

Với cách phân loại này, các nghiệp vụ bảo hiểm được chia làm 2 hình thức: bắt buộc và tự nguyện.

- Bảo hiểm tự nguyện: Là những loại bảo hiểm mà hợp đồng được kết lập dựa hoàn toàn trên sự cân nhắc và nhận thức của người được bảo hiểm. Đây là tính chất vốn có của bảo hiểm thương mại khi nó có vai trò như là một hoạt động dịch vụ cho sản xuất và sinh hoạt con người.

- Bảo hiểm bắt buộc: Được hình thành trên cơ sở luật định nhằm bảo vệ lợi ích của nạn nhân trong các vụ tổn thất và bảo vệ lợi ích của toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Các hoạt động nguy hiểm có thể dẫn đến tổn thất con người và tài chính trầm trọng gắn liền với trách nhiệm dân sự nghề nghiệp thường là đối tượng của sự bắt buộc này. Ví dụ: bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, trách nhiệm dân sự của thợ săn...

Tuy nhiên, sự bắt buộc chỉ là bắt buộc người có đối tượng mua bảo hiểm chứ không bắt buộc mua bảo hiểm ở đâu. Tính chất tương thuận của hợp đồng bảo hiểm được ký kết vẫn còn nguyên vì người được bảo hiểm vẫn tự do lựa chọn nhà bảo hiểm cho mình.

Phân loại theo mục đích hoạt động

Với cách phân loại này, các loại hình bảo hiểm được chia làm 2 hình thức: bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại. Trong đó, bảo hiểm xã hội nhằm phục vụ cho các chính sách xã hội của Nhà nước; bảo hiểm thương mại nhằm mục tiêu lợi nhuận.

- Bảo hiểm xã hội: Đây là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

- Bảo hiểm thương mại: Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Phân loại theo kỹ thuật bảo hiểm

Theo cách phân loại này, các loại hình bảo hiểm được chia ra làm 2 loại: bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ. Tương ứng là hai kỹ thuật “phân bổ" và "tồn tích vốn".

- Bảo hiểm phi nhân thọ: Đây là các loại bảo hiểm đảm bảo cho các rủi ro có tính chất ổn định (tương đối) theo thời gian và thường độc lập với tuổi thọ con người. Hợp đồng bảo hiểm loại này thường là ngắn hạn (một năm).

- Bảo hiểm nhân thọ: Đây là các loại bảo hiểm đảm bảo cho các rủi ro có tính chất thay đổi (rõ rệt) theo thời gian và đối tượng, thường gắn liền với tuổi thọ con người. Các hợp đồng loại này thường là dài hạn (10 năm, 20 năm, trọn đời...).

Bảo hiểm là sự vận động các nguồn lực tài chính trong việc huy động sự đóng góp (phí bảo hiểm) của các tổ chức kinh tế, cá nhân tham gia bảo hiểm để lập quỹ bảo hiểm và phân phối, sử dụng nó bồi thường những tổn thất vật chất, chi trả cho tai nạn bất ngờ xảy ra với các đối tượng bảo hiểm. Vì vậy, hoạt động bảo hiểm là quá trình tạo quỹ và phân phối lại một phần thu nhập giữa những người tham gia bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra.

Việc tham gia bảo hiểm sẽ là biên pháp tốt nhất để có thể hạn chế những tổn thất cho người dân, cho doanh nghiệp trong những trường họp xảy ra rủi ro. Trong một xã hội càng phát triển thì việc tham gia bảo hiểm cho đời sống, cho sản xuất, kinh doanh ngày cảng trở nên quan trọng và cần thiết.

HP

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/giam-thieu-rui-ro-bang-viec-tham-gia-cac-goi-bao-hiem-92396.html