Giảm thiểu tai nạn lao động: Cần sự nỗ lực thực chất

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Ninh Binh đã xảy ra 93 vụ tai nạn lao động (TNLĐ). Sự tổn thất về sức khỏe, tính mạng người lao động, dù là do nguyên nhân gì cũng đều để lại hậu quả nặng nề và là một câu chuyện đau lòng cho những người ở lại.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khen thưởng các đơn vị có thành tích trong công tác ATVSLĐ.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khen thưởng các đơn vị có thành tích trong công tác ATVSLĐ.

Anh Phan Văn Chuẩn, thôn Phú Bình, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh từng là tổ trưởng tổ cơ khí của Công ty TNHH Changxin (KCN Khánh Phú). Nhưng TNLĐ xảy ra vào năm 2023, khiến anh Chuẩn phải nghỉ việc để điều trị trong khoảng thời gian khá lâu. Hiện anh Chuẩn đã bình phục và được Công ty nhận làm việc trở lại, nhưng với hậu quả của TNLĐ để lại, anh Chuẩn mất 34% sức lao động.

"Tôi bị gãy 2 chân sau tai nạn lao động, phải mất nhiều thời gian để phục hồi. Hiện nay, tôi đã được Công ty tiếp nhận đi làm trở lại, nhưng từ vị trí là tổ trưởng tôi xuống làm công nhân vì sức khỏe kém đi. TNLĐ là rủi ro lớn, là nỗi ám ảnh với bất cứ người lao động nào. Nhưng nếu để tránh rủi ro bằng chính tâm lý may rủi thì không đủ, người lao động hãy triệt để tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn trong khi làm việc để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân. Phía sau mỗi người lao động là một gia đình cần phải chăm lo"- anh Chuẩn chia sẻ.

Người đồng nghiệp gặp nạn cùng anh Chuẩn cách đây 1 năm đã không được may mắn như vậy. Cách nhà anh Chuẩn không xa là ngôi nhà khá khang trang của gia đình chị Nguyễn Thị Quyên. Ngôi nhà này là thành quả của sự chắt chiu, tích cóp từ hai bàn tay trắng của chị Quyên và chồng là anh Phạm Văn Chính - công nhân Công ty TNHH Changxin. Ngôi nhà ấy khiến nhiều người ngưỡng mộ còn bởi sự đầm ấm, hạnh phúc với 2 đứa con ngoan, học giỏi. Nhưng nay, ngôi nhà hạnh phúc ấy trở nên lạnh lẽo bởi trụ cột gia đình là anh Chính bị tử nạn trong quá trình làm việc tại Công ty TNHH Changxin.

Gần 1 năm qua, chị Quyên nén chặt nỗi đau, gắng gượng để trở thành chỗ dựa duy nhất cho các con, song sự thiếu vắng tình cảm của người bố vẫn luôn hiện hữu trong ánh mắt buồn của các thành viên trong gia đình. "Anh Chính mất đi đồng nghĩa với gia đình tôi mất đi trụ cột kinh tế của cả gia đình, cuộc sống của gia đình thêm khó khăn vì các cháu đang tuổi đi học, trong đó cháu lớn đang học Đại học. Nhưng những thiếu thốn về vật chất thì mẹ con có thể khắc phục, cố gắng vượt qua được. Nhưng sự trống trải khi thiếu đi người chồng, người cha thì đó là khoảng trống không dễ gì bù đắp được"- chị Quyên buồn bã nói.

Đến thăm, tặng quà, chia sẻ với người lao động, thân nhân người lao động gặp nạn nhân Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), đại diện Công ty TNHH Changxin chia sẻ, vụ TNLĐ mà anh Chuẩn, anh Chính là nạn nhân, đó là trường hợp bị TNLĐ đầu tiên kể từ khi Công ty đi vào hoạt động từ năm 2012. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, Công ty đã tích cực phối hợp, chăm lo chu đáo cho người lao động và thân nhân. Đến nay, Công ty cũng đã nhận anh Chuẩn trở lại làm việc và bố trí công việc phù hợp với tình hình sức khỏe của anh. Tuy vậy, theo đại diện Công ty, những tổn thất về sức khỏe, tinh thần, tính mạng của người lao động thì không gì có thể bù đắp được. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động đã được Công ty chú trọng hơn, hướng tới mục tiêu không để bất cứ người lao động nào gặp rủi ro trong quá trình làm việc. Ngay sau khi TNLĐ xảy ra, Công ty đã tăng cường đầu tư, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Đại diện Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động tỉnh đến thăm, động viên gia đình có người thân bị TNLĐ.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra ra 93 vụ TNLĐ, trong đó có 8 vụ TNLĐ chết người, làm chết 9 người.Trong báo cáo của ngành lao động cũng chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, trong đó chủ yếu là do người sử dụng lao động và người lao động chưa nhận thức đúng, đủ về công tác bảo hộ lao động. Mặc dù đã nằm trong quy định bắt buộc, song thực tế vẫn còn có những doanh nghiệp chưa đầu tư thỏa đáng cho bảo hộ lao động.

Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ chưa cao, chưa sâu sát trong chỉ đạo thi công; tổ chức sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ chưa thực sự có hiệu quả; chưa dự báo, kiểm soát hết các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có các biện pháp phòng tránh hiệu quả…Trong khi đó, người lao động dù đã được huấn luyện về ATVSLĐ nhưng do ý thức chủ quan, sơ suất, chạy theo năng suất sản phẩm nên cũng dẫn tới TNLĐ… Nhưng vì nguyên nhân gì việc để xảy ra TNLĐ thì thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về người lao động và thân nhân.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Trong thời gian tới, với quyết tâm hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn lao động đòi hỏi phải có sự vào cuộc và hưởng ứng tích cực từ nhiều phía. Trong đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền để tạo nên ý thức "thường trực" và sâu rộng về ATVSLĐ trong toàn xã hội.

Đặc biệt, với chủ đề "Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng", Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của hai vấn đề "xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn" và việc "cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc". Để thực hiện tốt hơn nữa công tác AT,VSLĐ, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động hỗ trợ các đơn vị kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc…

Trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 này, Ban Chỉ đạo Tháng hành động sẽ tập trung kiểm tra 10 doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Mục đích là sau các đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tổng hợp, đánh giá để chấn chỉnh, nhắc nhở chung cho các cơ sở, đơn vị có cùng đặc điểm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rút kinh nghiệm chung theo chuyên đề.

Các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ yêu cầu các đơn vị thực hiện các kiến nghị để nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các đơn vị, tập trung vào một số nội dung: thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động; chấn chỉnh công tác quản lý, kỹ thuật an toàn… Qua đó, các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nghiêm túc thực hiện các kiến nghị và có báo cáo kết quả việc thực hiện kiến nghị cho các cơ quan tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra. Cùng với biện pháp tuyên truyền, tư vấn, Đoàn kiểm tra cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm, gây hậu quả tới sức khỏe người lao động.

Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giam-thieu-tai-nan-lao-dong-can-su-no-luc-thuc-chat/d2024051714411328.htm