Giảm thiểu thấp nhất tác động bất lợi của thiên tai

Trong chuyên mục 'Dân hỏi - chính quyền trả lời' kỳ này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Nghĩa thông tin về những biện pháp mà tỉnh đã và đang triển khai để giảm thiểu thấp nhất các tác động bất lợi của thiên tai.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Nghĩa.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Nghĩa.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 vào ngày 21-6-2022 nhằm mục tiêu nâng cao năng lực, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện các biện pháp công trình như đầu tư, nâng cấp công trình phòng, chống, cảnh báo thiên tai… và biện pháp phi công trình như nâng cao nhận thức, kiến thức phòng, chống thiên tai cho cộng đồng… Căn cứ kế hoạch phòng, chống thiên tai được duyệt, hàng năm Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp cụ thể để chủ động ứng phó.

Năm 2024, theo dự báo của các cơ quan khí tượng, thủy văn, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Do đó, để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng. Tỉnh xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông qua nhiều hình thức, nội dung nhằm nâng cao ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các cấp phải thường xuyên cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai theo dự báo.

Tỉnh nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, cập nhật kịp thời diễn biến thiên tai để thông tin đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân khu vực chịu ảnh hưởng để có biện pháp ứng phó, di dời kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người cũng như tài sản.

Đối với tình hình lũ, triều cường năm 2024, theo dự báo, mực nước lũ nội đồng và triều cường sẽ tăng cao, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành phương án phòng, chống ngập lũ nội đồng kết hợp triều cường năm 2024 trên địa bàn các huyện thuộc vùng ảnh hưởng lũ. Biện pháp chính là vận hành hệ thống cống thoát lũ và nạo vét kênh, mương kết hợp làm bờ bao chống lũ, với tổng chiều dài 980km, kinh phí khoảng 153 tỷ đồng; tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao năng lực và nhận thức của người dân về công tác phòng, chống lũ. Trên cơ sở thực hiện các chỉ đạo, kế hoạch, phương án của tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Lâm Minh Thành thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do thiên tai tại xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng). Ảnh: THÙY TRANG

- Phóng viên: Trong quá trình triển khai các giải pháp vừa nêu tỉnh gặp khó khăn, thách thức gì?

- Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh thực hiện khá tốt. Các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp theo kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gặp không ít những khó khăn, thách thức như nhà ở nông thôn còn nhiều nhà bán kiên cố, không kiên cố, sức chống chịu kém. Ý thức của một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan đối với các cảnh báo thiên tai của cơ quan chức năng. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến xã còn thiếu và hạn chế, dẫn đến công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai chưa được kịp thời và hiệu quả.

Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nhất là xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở ở một số nơi chưa thật sự hiệu quả. Các công cụ, dụng cụ, phương tiện trang bị cho lực lượng xung kích chưa đáp ứng yêu cầu. Hàng năm thiên tai gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh như nhà sập, tốc mái, thiệt hại sản xuất, các phương tiện tàu, ghe bị chìm… Tuy nhiên, hiện chỉ có chính sách hỗ trợ người dân có nhà ở bị thiệt hại, còn các phương tiện tàu, ghe bị chìm vẫn chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ.

- Phóng viên: Để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai, nhất là những khu vực dễ bị ảnh hưởng như các đảo và ven biển, tỉnh đã triển khai những chương trình tuyên truyền nào? Theo ông, các địa phương, đơn vị và mỗi người dân cần làm gì để ứng phó tốt nhất với các tác động của thiên tai đến sản xuất và đời sống?

- Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Kiên Giang có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, song cũng là địa phương dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai bởi chúng ta có bờ biển dài hơn 200km, có 1 huyện và 1 thành phố có xã đảo. Các huyện vùng Tây sông Hậu dễ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.

Hàng năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp với các sở, ngành và ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh tổ chức 2 cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quy mô cấp xã tại xã Dương Hòa và thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương); 1 cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quy mô cấp huyện tại huyện An Minh. Dự kiến trong tháng 10-2024 sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Kiên Hải. Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức phù hợp với mỗi địa phương như thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, treo băng rôn, pa nô, áp phích…

Để ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, các địa phương và người dân cần chủ động thực hiện một số nội dung sau: Đối với các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông qua nhiều hình thức, nội dung nhằm phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; đối với người dân khi có dự báo về thiên tai, tùy vào mỗi loại thiên tai mà người dân cần chấp hành sự điều hành của cơ quan có thẩm quyền; chủ động thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của cơ quan phòng, chống thiên tai tại địa phương.

- Phóng viên: Tỉnh có chính sách hỗ trợ như thế nào để giúp các hộ dân, nhất là những hộ bị thiệt hại bởi thiên tai nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất?

- Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Ngày 25-11-2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 19/2022/QĐ-UBND quy định về nội dung chi và mức chi của quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trong đó có các nội dung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai và khôi phục sản xuất.

Sau khi xảy ra thiệt hại, ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các huyện, thành phố tổ chức thăm hỏi, huy động các lực lượng tại chỗ giúp các hộ dân bị thiệt hại dọn dẹp, bố trí nơi ở tạm và ứng trước một phần ngân sách của địa phương để hỗ trợ ngay cho các hộ dân. Đồng thời, tiến hành các thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh chi hỗ trợ từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 1 người chết, 13 người bị thương, sập 83 căn nhà; tốc mái 256 căn nhà, cháy 1 căn nhà, chìm 10 tàu cá, ghe câu mực, sà lan và nhiều tài sản khác của Nhà nước và người dân trên địa bàn tỉnh. Ước tổng thiệt hại khoảng 9,7 tỷ đồng. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh kịp thời trình Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra, cụ thể hỗ trợ 58 hộ có nhà bị sập và 139 hộ có nhà bị tốc mái, với tổng kinh phí 1,44 tỷ đồng từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh.

- Phóng viên: Cảm ơn ông!

TÂY HỒ - TÚ QUYÊN thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/giam-thieu-thap-nhat-tac-dong-bat-loi-cua-thien-tai-22841.html